Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc có triển vọng đạt 100 tỷ USD vào 2023

Việt nAM HÀN QUỐC
17:26 - 28/10/2022
Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 19.
Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 19.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc, Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Seong Deok nhận định, năm 2023 hai nước có khả năng cao đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 100 tỷ USD.

Ngày 28/10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phối hợp tổ chức Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ hợp tác kinh tế và khoa học kỹ thuật Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 19 tại Hà Nội.

Làm sâu sắc hơn các FTA song phương, đa phương

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc đang phát triển ngày càng mạnh mẽ. Năm 2021, Hàn Quốc là đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam - Hàn Quốc đạt 66,8 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2021.

“Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đề nghị Hàn Quốc tạo thuận lợi, giải quyết nhanh thủ tục nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam. Đề nghị Hàn Quốc hợp tác để nâng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 lên 100 tỷ USD, năm 2030 đạt 150 tỷ USD theo hướng cân bằng”, Thứ trưởng Phương cho biết.

Đồng tình với triển vọng phát triển hợp tác giữa hai nước, Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Seong Deok nhìn nhận, Hàn Quốc là một trong số ít các quốc gia có FTA cả song phương và đa phương với Việt Nam, gồm Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.

"Hiện nay đối tác thương mại lớn thứ nhất của Hàn Quốc là Mỹ, thứ hai là Trung Quốc, thứ ba là Nhật Bản. Nếu thuận lợi, trong năm nay Việt Nam sẽ vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Năm 2023, hai nước có khả năng cao đạt kim ngạch thương mại 100 tỷ USD”.

Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Seong Deok

Ông Yun Seong Deok cho biết, sắp tới Hàn Quốc sẽ có những dự án tăng cường năng lực nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai bên trong trung và dài hạn. Liên quan đến việc các doanh nghiệp sử dụng FTA Hàn Quốc – Việt Nam và FTA Hàn Quốc - ASEAN, đại diện Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, hai nước cần hợp tác nâng cao tỷ lệ này hơn nữa so với tỷ lệ hiện tại là 53%.

Thứ trưởng Yun Seong Deok cũng nhấn mạnh, Hàn Quốc đặc biệt coi trọng việc cải thiện chuỗi cung ứng và đang cố gắng dung hòa với các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, đa dạng hóa các thị trường cung ứng.

“Năm 2021, Việt Nam đã trở thành nước cung cấp quan trọng nguồn Ure thiếu hụt cho Hàn Quốc. Hy vọng trong thời gian tới, 2 nước có thể làm tăng cường hợp tác hơn nữa về đất hiếm và tài nguyên khoáng sản. Đây là những nguyên liệu mà Việt Nam có trữ lượng phong phú còn Hàn Quốc có công nghệ vượt trội”, ông Yun Seong Deok phát biểu.

Tháo gỡ vướng mắc mở rộng đầu tư FDI Hàn Quốc vào Việt Nam

Về tình hình hợp tác trên lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, tính đến tháng 9/2022, Hàn Quốc đã có khoảng 9.438 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 80,5 tỷ USD, đứng thứ đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư và tổng số dự án đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam.

Việt Nam hiện có 65 dự án đã đầu tư sang Hàn Quốc với quy mô khiêm tốn, với tổng số vốn đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là 29,7 triệu USD. Các dự án đều có quy mô nhỏ chủ yếu trên lĩnh vực khoa học và công nghệ, khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác.

Trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đang dần hồi phục sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng Phương nêu quan điểm, Việt Nam sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

"Việt Nam đề nghị Chính phủ Hàn Quốc khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam như công nghệ cao, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển hạ tầng xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu và khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương

Để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc, Thứ trưởng phụ trách kinh tế Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Yun Seong Deok mong muốn Việt Nam tháo gỡ các vướng mắc trong đầu tư FDI, giải quyết lo ngại của các doanh nghiệp Hàn Quốc về thỏa thuận thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, đẩy nhanh thời gian cấp giấy phép cho các dự án đầu tư và tài chính của Hàn Quốc chưa thể triển khai.

“Thuế luôn là vấn đề khúc mắc lớn nhất trong đầu tư FDI Hàn Quốc vào Việt Nam, mong Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách, điều chỉnh hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam”, Thứ trưởng Yun Seong Deok đề nghị.

Đưa ra trao đổi về những đề nghị của phía Hàn Quốc, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, hàng năm, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng KH&ĐT đều có các cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư Hàn Quốc, tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, hội nghị, hội thảo chuyên biệt để thúc đẩy các dự án.

“Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ Việt Nam đã giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu đưa ra phương án hợp lý và sớm nhất trong thời gian tới”, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài thông tin.

Ngoài ra, tại Kỳ họp lần này, đại diện các Bộ/ngành khác cũng khẳng định sẽ tìm hiểu vướng mắc cụ thể của các doanh nghiệp Hàn Quốc khi đầu tư tại Việt Nam để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ.

Tin liên quan

Đọc tiếp