Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong 10 năm qua

Thương Mại HÀN QUỐC
06:25 - 11/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Trong 7 tháng đầu năm 2022, thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đạt 52,2 tỷ USD. Như vậy, đây là năm có kim ngạch song phương đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2013 – 2022.

Nhìn chung, xuất khẩu sang Hàn Quốc có mức tăng trưởng tương đối ổn định, từ 3,5 tỷ USD 7 tháng đầu năm 2013 lên 14,1 tỷ USD năm 2022. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu một lượng lớn hàng hóa từ Hàn Quốc.

Thị trường này hiện là một trong số quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa lớn nhất. Theo con số của Tổng cục Hải quan, tính riêng 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 38,1 tỷ USD giá trị hàng hóa từ Hàn Quốc, chiếm 17% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa.

Chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc đạt 14,1 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 12,1 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc bao gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may và máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; lần lượt đạt 3,1 tỷ USD, 2 tỷ USD, 1,68 tỷ USD và 1,65 tỷ USD.

Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc có hiệu lực vào năm 2009, nhiều sản phẩm dệt may của Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế suất 0%. Điều này đã góp phần giữ vững cho kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này luôn giữ vững ổn định.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, phân bón và xăng dầu là hai mặt hàng có mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao nhất. Kim ngạch xuất khẩu xăng dầu tăng cùng với biến động của giá năng lượng thế giới. Lo ngại nguồn cung dầu thiếu hụt trước biến động của thế giới, đặc biệt là xung đột Nga – Ukraine đã đẩy giá dầu lên cao, thậm chí đạt đỉnh trong tháng 3/2022, kéo theo giá xăng cũng tăng theo. Điều này trực tiếp đưa kim ngạch xăng dầu xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng hơn 676% trong 7 tháng đầu năm 2022, theo con số của Tổng cục Hải quan Việt Nam.

Trong khi đó, tình hình bất ổn liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng đã đẩy “cú sốc” giá phân bón thế giới tới nhanh hơn. Trước đó, trong năm 2021 các nguồn phân bón hóa học như nito, kali vốn đã tăng mạnh do đà tăng của khí đốt (nguyên liệu chính để sản xuất phân bón).

Xung đột diễn ra đã khiến nguồn cung bị tắc nghẽn bởi chi phí logistics tăng cao, đồng thời Nga lại là nhà xuất khẩu số 1 thế giới về phân đạm, số 2 về phân lân và kali. Giá urê giao tháng 4/2022 được giao dịch ở mức 795 USD/tấn tại New Orleans vào ngày 4/3, tăng 22% so với mức giao dịch hồi đầu tuần đó, giá giấy ure cũng tăng lên 50 USD/tấn.

Tại Việt Nam, trong tháng 5 vừa qua, giá phân bón cũng từng đạt kỷ lục trong vòng 50 năm trở lại đây.

Về nông sản, Việt Nam xuất sang Hàn Quốc 543 triệu USD hàng thủy sản, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng trưởng tốt từ tháng 2 đến tháng 5 với tốc độ từ 27 – 54%, xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đã chững lại trong tháng 6/2022 với tốc độ chỉ 6%.

Trong 6 tháng đầu năm, Hàn Quốc cũng là thị trường xuất khẩu hải sản lớn thứ 3 của Việt Nam, đạt 219 triệu USD (sau Mỹ đạt 480 triệu USD và Nhật Bản đạt 447 triệu USD).

Bên cạnh đó, xuất khẩu rau quả cũng tăng trưởng lạc quan, ở mức 14%, đạt 96 triệu USD. Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường tiêu thụ trái cây tươi và chế biến lớn, dung lượng thị trường khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Hiện nay, 6 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được phép xuất khẩu vào thị trường này, bao gồm dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài và chuối.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu tới 38,1 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2022 từ Hàn Quốc, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021 đạt 30,1 tỷ USD).

Việt Nam nhập chủ yếu các sản phẩm điện tử, công nghiệp và nguyên liệu từ Hàn Quốc. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất, chiếm tới 37%, đạt 14,3 tỷ USD. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ Hàn Quốc cũng chiếm tới 28,6% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng trên của Việt Nam.

Đứng thứ hai và thứ ba là điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, lần lượt đạt 6,2 và 3,9 tỷ USD.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, trong 7 tháng đầu năm đã nhập 2,3 tỷ USD, tăng 254%.

Trong khi chủ yếu các mặt hàng đều tăng thì sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm từ sắt thép và kim loại thường lại ghi nhận giảm nhẹ.

Về mặt hàng nông sản, Việt Nam nhập chủ yếu là các mặt hàng thủy sản; hàng rau quả; sữa và sản phẩm từ sữa…

Đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Hàn Quốc đã cuộc điện đàm về vấn đề thương mại giữa hai nước. Theo đó, hai vị Thủ tướng đều nhất trí nâng mục tiêu thương mại song phương vào năm 2023 và 2030, lần lượt đạt 100 tỷ USD và 150 tỷ USD.

Về các kế hoạch trong thời gian tới, theo các thông tin được các cơ quan hai bên công bố chính thức, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và đa phương như Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Thông qua đó, đẩy nhanh tốc độ, hướng tới đạt được kim ngạch xuất nhập khẩu như đã đề ra.

Bên cạnh đó, hai bên sẽ cùng giải quyết sự mất cân đối trong cán cân thương mại giữa hai nước và hài hòa lợi ích song phương trong hoạt động đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc. Từ đó, tạo điều kiện để các hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây theo mùa vụ vào thị trường Hàn Quốc.

Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng… Hướng tới bảo đảm hài hòa hơn lợi ích giữa 2 quốc gia. Đồng thời, tạo điều kiện để doanh nghiệp Hàn Quốc có môi trường thuận lợi và an toàn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp