Thương vụ 80 tỷ USD giữa Nvidia và Arm thất bại

Bán dẫn THẾ GIỚI
16:13 - 09/02/2022
Thương vụ kỷ lục của ngành chip giữa Nvidia và Arm đã thất bại do không nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý. Ảnh: Nikkei Asia
Thương vụ kỷ lục của ngành chip giữa Nvidia và Arm đã thất bại do không nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý. Ảnh: Nikkei Asia
0:00 / 0:00
0:00
Do các rào cản pháp lý, Softbank đã hủy thương vụ bán nhà sản xuất linh kiện bán dẫn Arm cho nhà sản xuất chip của Mỹ là Nvidia trong một thương vụ kỷ lục của ngành trị giá tới 80 tỷ USD và thay vào đó lựa chọn IPO.

Vào năm 2016, Softbank đã mua lại Arm – một nhà sản xuất của Anh chuyên cung cấp linh kiện cho iPhone của Apple và gần như tất cả các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác trên thị trường với mức giá 32 tỷ USD.

Giá trị của thương vụ mua lại giữa Softbank và Nvidia phụ thuộc vào giá cổ phiếu của Nvidia và ban đầu được chốt ở mức khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng và khiến giá trị của nó tăng lên khoảng 80 tỷ USD vào cuối năm ngoái.

Với sự thất bại của thương vụ bom tấn trong ngành công nghệ, người đại diện của Arm cho biết công ty sẽ thay vào đó lựa chọn con đường IPO và sẽ tiến hành trước tháng 3/2023. Giám đốc điều hành Softbank là Masayoshi Son tiết lộ việc niêm yết có khả năng cao sẽ xảy ra tại sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ - sàn giao dịch nổi tiếng với các công ty công nghệ lớn.

Trong một cuộc họp báo ngày 8/2, Giám đốc điều hành SoftBank bổ sung thêm tập đoàn ban đầu đã cân nhắc niêm yết Arm nhưng vì đại dịch nên đã lựa chọn bán đi. Ông khẳng định việc IPO của Arm sẽ tạo ra động lực cho các cuộc cách mạng trong ngành điện toán đám mây và metaverse. Đồng thời, nó cũng sẽ là đợt niêm yết quan trọng nhất mà ngành công nghiệp sản xuất chip ghi nhận được.

Nhà phân tích Susannah Streeter của Hargreaves Lansdown lại nhận định: “Arm đã thể hiện những dấu hiệu hiếm hoi về việc đầu tư của SoftBank có thể đem lại lợi nhuận lớn. Tuy nhiên hiện tại, công ty này sẽ quay trở lại niêm yết trên các thị trường tài chính nơi cổ phiếu công nghệ đang chịu nhiều biến động”. Theo nhận định của bà, mức định giá kỷ lục có khả năng sẽ không thể xảy ra với Arm.

Theo nhà phân tích Angelo Zino của CFRA Research, Nvidia đã bỏ lỡ một cơ hội lớn khi thất bại trong việc mua lại Arm. Tuy nhiên nó giúp loại bỏ được áp lực đang đè nặng lên cổ phiếu của hãng và giúp các nhà đầu tư tập trung hơn vào các nguyên tắc cơ bản của công ty.

Trụ sở Nvidia tại Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Trụ sở Nvidia tại Santa Clara, California, Mỹ. Ảnh: Reuters

Thỏa thuận giữa Arm và Nvidia được công bố từ năm 2020. Nếu thương vụ này thành công, Nvidia sẽ có thể bước sang một trang mới trong cuộc đua cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường chip trung tâm dữ liệu như Intel và Advanced Micro Devices. Là công ty chip có giá trị nhất của Mỹ, chip xử lý đồ họa do Nvidia sản xuất là thành phần trọng yếu với thị trường game và được sử dụng rộng rãi cho các lĩnh vực như AI và các lĩnh vực tiên tiến khác.

Tuy nhiên, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đã khởi kiện để ngăn chặn thương vụ này vào tháng 12 năm ngoái với nguyên nhân liên quan tới tính cạnh tranh. Cơ quan này lập luận rằng thị trường chip cho xe tự hành và chip mạng vẫn còn non trẻ và có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi thương vụ mua lại này.

Nó đồng thời cũng vấp phải sự giám sát tại quê nhà của Arm là Anh và Liên minh châu Âu. Đồng thời, thương vụ này hoàn toàn chưa nhận được sự chấp thuận tại Trung Quốc - quốc gia trước đó đã từ chối phê duyệt các thương vụ mua lại xuyên biên giới trong ngành sản xuất chip.

Dù thương vụ này đã thất bại, SoftBank vẫn được giữ khoản phí “chia tay” trị giá 1,25 tỷ USD mà Nvidia đã ký gửi dưới dạng lợi nhuận trong quý IV. Sự thất bại của thương vụ này đánh dấu một bước thụt lùi lớn đối với nỗ lực tạo thêm lợi nhuận của tập đoàn Nhật Bản vào thời điểm mà định giá của nhiều công ty thuộc danh mục đầu tư của hãng đang chịu áp lực lớn.

Nhiều công ty mà Softbank sở hữu cổ phần đều đang giao dịch với giá cổ phiếu ở dưới giá niêm yết. Đặc biệt là khi các công ty như WeWork, ứng dụng gọi xe Grab và nền tảng giao dịch xe đã qua sử dụng Auto1 đều ghi nhận giá cổ phiếu sụt giảm trong quý trước.

Sự sụp đổ của thỏa thuận Nvidia-Arm một lần nữa nhấn mạnh khó khăn mà các công ty phải đối mặt ngày nay trong việc thuyết phục các cơ quan quản lý chống độc quyền và chính phủ phê duyệt các thương vụ công nghệ lớn, đặc biệt là trong ngành bán dẫn.

Ngay tuần trước, thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD giữa GlobalWafers của Đài Loan và nhà cung cấp chip Siltronic của Đức đã gặp thất bại. Nguyên nhân do các cơ quan quản lý của Đức đã không phê duyệt đúng thời hạn.

Trước đó vào năm 2018, Qualcomm cũng phải từ bỏ thương vụ trị giá 44 tỷ USD nhằm mua lại nhà sản xuất linh kiện bán dẫn NXP Semiconductors do không đạt được sự chấp thuận của các cơ quan quản lý Trung Quốc. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chặn đề xuất tiếp quản Qualcomm của nhà sản xuất vi mạch Broadcom.

Trong một tuyên bố riêng khác, Arm cho biết đã bổ nhiệm giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị mới là Rene Haas thay thế Simon Segars. Là một người kỳ cựu trong ngành, ông Haas gia nhập Arm vào năm 2013 và trước đó đã làm việc 7 năm tại Nvidia.

Đọc tiếp