Thủy sản Việt Nam 'sáng cửa' đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD

THỦY SẢN Việt nAM
07:04 - 09/07/2022
Thủy sản Việt Nam 'sáng cửa' đạt mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Thủy sản dự báo, tổng sản lượng thủy sản cả nước trong năm 2022 sẽ đạt gần 9 triệu tấn, trong khi đó xuất khẩu các mặt hàng tôm và cá tra sang các thị trường chủ lực vẫn sẽ tăng trưởng lạc quan.

Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) ngày 8/7 tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác chỉ đạo điều hành 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng năm 2022. Tính đến hết tháng 6/2022, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam ước đạt 4,16 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 47,7% kế hoạch đề ra. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 6 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 67% kế hoạch năm. Đây là kết quả xuất khẩu thủy sản đạt mức cao nhất của Việt Nam.

Trong năm 2022, Tổng cục Thủy sản hướng tới đạt mục tiêu kép, trong đó tổng sản lượng thủy sản đạt 8,73 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu 9 tỷ USD.

Về mặt hàng, tính đến hết tháng 5/2022, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tính đến ngày 30/5 đạt 1,21 tỷ USD, tăng 89,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường EU tăng 89%, sang Trung Quốc và Hong Kong tăng 124,2%, sang Hoa Kỳ tăng 131%.

Cùng dự báo về kim ngạch xuất khẩu thủy sản, trước đó, tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, ngày 27/6, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Theo ông Nam, đây là con số đã tính đến những thách thức, khó khăn, ghi dấu ấn đầu tiên trong xuất khẩu thủy sản 10 năm trở lại đây.

Theo Tổng cục Thủy sản, đến hết ngày 30/5, đã có 1.206 cơ sở nuôi được cấp mã nhận diện, đạt 100% yêu cầu. Diện tích thả nuôi đạt 3.105 ha, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021, sản lượng thu hoạch đạt 771.430 tấn, tăng 6%. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện dao động ở mức 28.000 – 29.000 đồng/kg.

Tổng cục Thủy sản dự báo, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong năm 2022 vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt do nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới phục hồi, đồng thời có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đảm bảo được sự ổn định trong nuôi tôm thương phẩm và chế biến sản phẩm.

Đối với cá tra, cuối năm 2022, giá lương thực tăng cao tại EU sẽ là cơ hội tốt để doanh nghiệp cá tra quay lại thị trường này sau nhiều năm bị chững. Xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn có khả năng tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng và ổn định có thể duy trì mức thu mua cá nguyên liệu ở mức hiện tại.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cũng nhận định, trong thời gian tới, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh tại các thị trường.

Về mặt hàng cá tra, thị trường Hoa Kỳ sẽ tăng cường nhập khẩu cá tra khi tồn kho tại thị trường này hiện ở mức rất thấp sau hai năm dịch bệnh. Bên cạnh đó, diện tích nuôi cá da trơn tại Hoa Kỳ giảm trong 3 năm liên tiếp, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp cá da trơn.

Hơn nữa, giá cá cạnh tranh có thể là một lựa chọn trong tình trạng lạm phát liên tục lập kỷ lục và có thể bù đắp khoảng trống ở một số phân khúc với các sản phẩm thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Nhu cầu cá tra tại Trung Quốc hiện cũng đang ở mức cao trong năm nay.

Về khó khăn của ngành, theo Tổng cục Thủy sản, sản lượng khai thác đã giảm nhưng vẫn chưa đạt mức yêu cầu Chiến lược phát triển thủy sản đề ra; giá nguyên vật liệu tăng cao trước ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine; tình trạng thiếu lao động...

Trong khi đó, theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, đối với mặt hàng tôm gặp khó khăn khi tình hình lạm phát kỷ lục tại hầu hết các thị trường lớn trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ tôm trong các tháng cuối năm.

Để đạt được mục tiêu, ngành cũng đặt ra những giải pháp cụ thể. Theo đó, sẽ bám sát tình hình sản xuất tại các địa phương, khả năng cung ứng nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Qua đó, sẽ đưa các vấn đề tham mưu với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất hiệu quả trong bối cảnh giá thức ăn, giá vật tư sản xuất trong nuôi trồng thủy sản tăng cao.

Đối với thẻ vàng IUU, Tổng cục Thủy sản sẽ chuẩn bị kế hoạch, kịch bản làm việc với đoàn thanh tra EC kiểm tra công tác chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tiếp tục tham mưu tổ chức kiểm tra tại các địa phương về việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC.

Trước đó, ngày 23/10/2017, sau nhiều lần vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ quy định của EU về hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, Ủy ban châu Âu đã cảnh cáo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào thị trường châu Âu. Nếu không quyết liệt thay đổi, Việt Nam có nguy cơ bị thẻ đỏ. Điều này có ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến ngành thủy sản của Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp