Thủy sản Việt Nam sẽ mất thị trường EU nếu không gỡ được “thẻ vàng” IUU

XNK Việt Nam - EU
14:58 - 24/12/2021
Xuất khẩu thủy sản suy giảm ở thị trường EU
Xuất khẩu thủy sản suy giảm ở thị trường EU
0:00 / 0:00
0:00
Cuối 2021 là thời điểm phải chấm dứt tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không đúng quy định và không khai báo (IUU) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng hiện giờ, các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang nỗ lực với các biện pháp quản lý.

Năm 2021 đang dần khép lại với những tín hiệu tích cực trong phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, trong năm, địa phương này ghi nhận 2 tàu cá vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài, và trong 6 tháng gần đây không có trường hợp nào vi phạm.

Đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, các cấp ngành cùng sự chuyển biến về nhận thức của ngư dân đối với chống khai thác IUU, góp phần sớm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã thành lập 5 đoàn thanh tra chuyên ngành; trong đó có 4 đoàn thanh tra khai thác thủy sản trên các vùng biển và 1 đoàn thanh tra về chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.

Cùng với Bạc Liêu, thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, đẩy mạnh xử lý hành vi vi phạm. Từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2021, ngành chức năng đã xử phạt 733 vụ/768 tàu, với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng; trong đó hành vi vi phạm IUU là 428 vụ/463 tàu, với số tiền xử phạt hơn 15 tỷ đồng.

Tại Kiên Giang, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ đầu năm tới nay, địa phương này tiếp nhận thông báo có 22 vụ, 30 tàu cá vi phạm vùng biển bị lực lượng bảo vệ biển các nước láng giềng bắt giữ. Ngoài ra, Chi cục Thủy sản Cà Mau cũng tiến hành làm việc với 149 trường hợp tàu vượt ranh giới biển và mất tín hiệu trên biển quá 10 ngày; xử phạt vi phạm hành chính 89 trường hợp với các hành vi vi phạm như: không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình, không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng…

Tại Bến Tre, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, trong năm 2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này cũng đã thành lập 5 đoàn thanh tra chuyên ngành; trong đó có 4 đoàn thanh tra khai thác thủy sản trên các vùng biển và 1 đoàn thanh tra về chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác thủy sản.

Qua kiểm tra đã tuyên truyền giáo dục pháp luật cho 500 chủ phương tiện; lập biên bản và xử phạt 7 phương tiện vi phạm hành chính do không treo Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về gỡ “thẻ vàng” IUU của EC, các địa phương ven biển ở ĐBSCL đang mở đợt cao điểm tổng kiểm tra hoạt động đánh bắt xa bờ, nuôi trồng và khai thác thủy sản ven bờ, tăng cường vận động ngư dân tuân thủ pháp luật; cùng nỗ lực chống khai thác IUU từ nay đến cuối năm 2021; đề nghị các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân chấp hành nghiêm các quy định đánh bắt cá.

Các tỉnh cũng siết chặt quản lý số lượng tàu cá và lao động đi biển trên địa bàn; khẩn trương rà soát, thu thập thông tin nhằm khoanh vùng, xác định các đối tượng có nguy cơ cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm khai thác IUU.

Trong 4 năm qua, Chính phủ Việt Nam, các bộ ngành và bà con ngư dân Việt Nam đã tích cực cải thiện theo các khuyến nghị của EU nhằm gỡ bỏ thẻ vàng IUU. EU cũng đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Tuy nhiên đến nay, thẻ vàng IUU vẫn chưa được gỡ bỏ.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định đánh bắt thủy sản của Liên minh châu Âu.

Các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long nỗ lực ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định đánh bắt thủy sản của Liên minh châu Âu.

Theo VASEP, ngành thủy sản của Việt Nam đã nhanh chóng phát triển thành một ngành công nghiệp theo định hướng hàng hóa với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 9 tỷ USD mỗi năm.

Ngành này đóng góp vào khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tạo 4,7 triệu việc làm (tương đương khoảng 5% tổng số việc làm trong khu vực chính thức), bao gồm khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và 2,7 triệu việc làm gián tiếp trong chuỗi giá trị thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đã tăng mạnh trong 20 năm qua, từ 90 triệu USD năm 1999 lên gần 1,5 tỷ USD năm 2017 (sau đó giảm xuống còn 1,22 tỷ USD năm 2020). Năm 2017, EC cảnh báo thẻ vàng IUU (Luật Chống đánh bắt bất hợp pháp) đối với Việt Nam do không hợp tác và không đủ nỗ lực chống khai thác thủy sản IUU.

Năm 2019, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,3 tỷ USD, trong đó sản phẩm hải sản khai thác đóng góp khoảng 387 triệu USD. So với năm 2018, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU năm 2019 giảm 12%.

Bước sang năm 2020, vừa chịu sự tác động của “thẻ vàng” vừa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang EU đạt 1,22 tỷ USD, giảm 6% so với năm 2019. Mặt khác, cuối năm 2020, ngành thủy sản cuối năm 2020 còn được hưởng lợi từ Hiệp định EVFTA. Có thể thấy, “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Hiệp định EVFTA đã mở ra một giai đoạn giao thương mới giữa Việt Nam và EU. Nếu Việt Nam sớm gỡ được “thẻ vàng” IUU, kết hợp tận dụng các ưu thế có được từ Hiệp định EVFTA, cơ hội hồi phục và tăng trưởng trở lại tại thị trường EU rất khả thi.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thẻ đỏ IUU nếu không thể kiểm soát được các hoạt động vi phạm đánh bắt theo quy định của Liên minh châu Âu.

Trong trường hợp ngành thủy sản Việt Nam bị EC cảnh cáo thẻ đỏ, hậu quả sẽ giống như trường hợp của Sri Lanka: tất cả các sản phẩm hải sản khai thác đều bị cấm vào thị trường EU. Các tác động bao gồm rủi ro đối với danh tiếng, kiểm soát hải quan nghiêm ngặt của các cơ quan quản lý nhập khẩu, và đặc biệt, không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

Chính phủ đang đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 16-18 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu đó, cả nước phải có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản bình quân hàng năm là 7-9% trong 10 năm tới.

Ngày 23/10/2017, sau nhiều lần vào Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ quy định của EU về Hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý, Ủy ban châu Âu đã cảnh cáo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Tin liên quan

Đọc tiếp