Tiềm năng nào khiến cổ phiếu PVD hấp dẫn khối ngoại dù kinh doanh kém sắc

PV Drilling DẦU KHÍ
06:32 - 10/09/2022
PVD là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan trong ngành dầu khí. Ảnh: PVD
PVD là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan trong ngành dầu khí. Ảnh: PVD
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD) vừa đón nhóm quỹ ngoại Dragon Capital vào ghế cổ đông lớn, ngay sau khi cổ phiếu của doanh nghiệp này bị cắt margin vì kinh doanh thua lỗ trong 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, các quỹ thành viên của Dragon Capital vừa mua vào 3,1 triệu cổ phiếu PVD. Trong đó, CTBC Vietnam Equity Fund mua 3 triệu cổ phiếu và KB Vietnam Focus Balance Fund mua 100.000 cổ phiếu. Tổng sở hữu của cả nhóm nhà đầu tư nước ngoài tăng từ 4,77% lên 5,33%, trở thành cổ đông lớn vào ngày 7/9.

Trong tháng 8, PVD chính là 1 trong 3 mã cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất trên sàn HoSE với giá trị 470 tỷ đồng. Thị giá của mã này cũng tăng 36% trong tháng vừa qua, từ vùng giá 15.000 đồng lên 21.000 đồng. Những phiên giao dịch đầu tháng 9, PVD lại đi xuống nhưng đã tăng trần trong phiên 9/9, sau thông tin Dragon Capital trở thành cổ đông lớn.

Doanh thu tăng mạnh nhưng lợi nhuận âm

PVD được khối ngoại đặt kỳ vọng dù doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không được khả quan trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể, nửa đầu năm nay, PV Drilling ghi nhận doanh thu đạt 2.660 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu không đủ bù chi phí nên lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 149 tỷ đồng (so với cùng kỳ lỗ 69 tỷ đồng).

Phần chi phí “ăn mòn” lợi nhuận nhiều nhất là chi phí tài chính, tăng 56,8% so với cùng kỳ lên 134 tỷ đồng. Công ty có thuyết minh doanh thu tài chính giảm chủ yếu do lãi tiền gửi giảm 33 tỷ đồng về còn 35 tỷ đồng; lỗ tỷ giá tăng thêm 61 tỷ đồng lên 67 tỷ đồng…

Việc ghi nhận lỗ trong 6 tháng đầu năm dẫn tới lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối của PVD giảm từ 1.923 tỷ đồng về còn 954 tỷ đồng.

Thêm nữa, trong 6 tháng đầu năm, dòng tiền kinh doanh chính của PV Drilling còn ghi nhận âm 359 tỷ đồng, so với cùng kỳ âm 504 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư dương 518 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 124 tỷ đồng. Trong năm 2021, PV Drilling cũng đã ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 376 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, PVD phải trích lập dự phòng 44 tỷ đồng trong tổng 91 tỷ đồng phải thu của Công ty KrisEnergy (Apsara) Cambodia Ltd, so với đầu năm chỉ trích lập 26,8 tỷ đồng.

Trong năm 2020, PV Drilling và KrisEnergy Apsara ký hợp đồng dịch vụ cung cấp giàn khoan PV Drilling III cho chương trình khoan phát triển giai đoạn 1A mở Apsara thuộc lô A, Campuchia, chiến trình khoan đã kết thúc vào ngày 12/2/2021.

Ngày 4/6/2021, Công ty KrisEnergy Limited thành lập tại Singapore – Công ty mẹ của KrisEnergy Apsara đã đệ đơn lên tòa án tại Cayman Island về việc xin giải thể công ty do tình hình tài chính khó khăn.

Nửa cuối năm sẽ khả quan hơn?

Trong nửa đầu năm 2022, giá dầu tăng phi mã đã giúp nhiều doanh nghiệp trong ngành dầu khí thắng lớn. Như Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) lãi ròng gần 12.300 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ 2021; Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) thu về hơn 5.000 tỷ đồng lãi ròng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước; Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL) lãi ròng 622 tỷ đồng, tăng 72%...

Trong báo cáo phân tích công ty mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, trong bối cảnh giá dầu tăng mạnh và duy trì trên 100 USD/thùng thì kết quả nửa đầu năm của PVD gây thất vọng cho nhà đầu tư. Nhưng Mirae Asset nhận thấy sự hồi phục trong hoạt động kinh doanh thể hiện ở doanh thu quý 2/2022, với 1.505 tỷ đồng doanh thu (tăng 35% so với cùng kỳ năm trước).

Kết quả trên đến từ hiệu suất cho thuê giàn khoan trong quý 2 tăng lên 97%, so với mức 95% của cùng kỳ và giá thuê giàn khoan tự nâng tăng 14%. Tuy nhiên, bên phía doanh nghiệp đã phát sinh nhiều chi phí, trong đó đáng chú ý là chi phí mua ngoài của PVD đã tăng vọt lên 568 tỷ đồng so với mức 50 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý mức tăng chi phí này cao hơn mức tăng 394 tỷ đồng của khoản mục doanh thu. Khoản chi phí gia tăng này là đột biến và nhiều khả năng sẽ không duy trì trong các kỳ sau.

Nửa cuối năm, Mirae Asset cho rằng tình hình kinh doanh của PVD sẽ khả quan hơn, với kỳ vọng năm 2022 có lãi. Hoạt động cho thuê giàn khoan tại khu vực Đông Nam Á đang hồi phục rất ấn tượng. Theo IHS Markit, giá cho thuê giàn khoan tự nâng đã tăng lên mức 90.000 USD/ngày, cao hơn mức trung bình 75.000 USD của giai đoạn từ 2019 – 4/2022, đồng thời hiệu suất cho thuê cũng lên 90%.

Về phía doanh nghiệp, tất cả các giàn của PVD hiện đã có hợp đồng thuê đến cuối năm 2022, doanh nghiệp hiện cũng đã phải thuê thêm giàn bên ngoài để đáp ứng nhu cầu cho thuê. Mirae Asset dự báo PVD sẽ ghi nhận khoản 228 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trong 6 tháng cuối năm, theo đó mức lợi nhuận sau thuế của năm 2022 sẽ ở mức 112 tỷ đồng, EPS đạt 200 đồng/cp.

Dự phóng giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh của PVD.

Dự phóng giá cổ phiếu và kết quả kinh doanh của PVD.

Triển vọng lớn từ dự án Lô B - Ô Môn

Chứng khoán VNDirect cũng mới có báo cáo phân tích về PVD với khuyến nghị khả quan. Từ triển vọng thị trường khoan trong khu vực đang trên đà hồi phục, VNDirect cho rằng trong hai quý cuối năm nay, hiệu suất sử dụng giàn JU của PVD sẽ duy trì trên 90% khi lịch trình khoan đã được lấp đầy.

Giàn PVD I tiếp tục hợp đồng khoan dài hạn cho Vietsovpetro (VSP) đến đầu năm 2023. Giàn PVD II đang làm việc cho Premier Oil Indonesia với hợp đồng khoan 3 tháng. Sau đó, dự kiến giàn sẽ phục vụ cho chiến dịch khoan của một tập đoàn dầu khí Indonesia khác là Pertamina. Giàn PVD III đang khoan dài hạn cho Repsol Malaysia với tùy chọn gia hạn hợp đồng sang năm 2023. Giàn PVD VI hiện đang khoan cho VSP, sau đó sẽ khoan 2 giếng cho

Premier Oil Việt Nam (POVO) với tùy chọn gia hạn thêm 2 giếng trong nửa cuối năm nay. Từ cuối năm 2022, dự kiến giàn sẽ phục vụ cho chiến dịch khoan của Hoàng Long – Hoàn Vũ JOC (HLHV).

Lịch trình khoan dự kiến của đội giàn PVD.
Lịch trình khoan dự kiến của đội giàn PVD.

VNDirect ước tính hiệu suất sử dụng của đội giàn PVD sẽ đạt 86% trong năm 2022, sau đó cải thiện lên mức 90% vào năm 2023-24 do hoạt động khoan sôi động ở cả thị trường trong nước và khu vực.

Dự án Lô B - Ô Môn sớm hơn dự kiến cũng được cho là mang lại triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cho ngành dầu khí nói chung và PVD nói riêng. Dự án có thể sẽ được phê duyệt quyết định FID sớm nhất vào quý 4/2022 do dự án hạ nguồn trọng điểm của dự án Lô B - nhà máy nhiệt điện khí Ô Môn III đã được phê duyệt đầu tư vào đầu tháng 8/2022.

Lô B - Ô Môn là một trong những dự án khai thác khí lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại, với tổng vốn đầu tư khoảng 10 tỷ USD cho nhiều dự án thành phần từ khâu thượng nguồn đến hạ nguồn.

Khoan luôn là một trong những bước đầu tiên của các dự án khai thác thượng nguồn. Với kế hoạch hơn 700 giếng khai thác, VNDirect cho rằng dự án có thể mang lại nhiều cơ hội việc làm cho một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan như PVD trong những năm sắp tới.

VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng năm 2022 của PVD đạt 96 tỷ đồng (tăng 388% so với 2021). Đồng thời dự báo triển vọng năm 2023 sẽ được cải thiện hơn nữa với lợi nhuận ròng đạt 571 tỷ đồng (tăng 498% so với cùng kỳ), chủ yếu được đóng góp bởi giả định giá thuê giàn cao hơn 70.000 USD.

Tin liên quan

Đọc tiếp