Tiền nhàn rỗi trong cư dân tiếp tục đổ về hệ thống ngân hàng

TIỀN GỬI NGÂN HÀNG
09:56 - 25/07/2022
Tiền nhàn rỗi trong cư dân tiếp tục đổ về hệ thống ngân hàng
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, người dân đã gửi ròng vào hệ thống hơn 268.400 tỷ trong 5 tháng đầu năm nay, gấp đôi mức tăng 134.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và còn cao hơn cả mức tăng của cả năm 2021.

Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tiền gửi của khách hàng tại hệ thống Tổ chức tín dụng (TCTD) đến cuối tháng 5/2022.

Theo đó, tính đến ngày 31/5/2022, tổng tiền gửi đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 48.478 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng hơn 430.000 tỷ đồng (tăng 3,93%) so với cuối năm 2021.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế cuối tháng 5 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 11.589 tỷ so với cuối tháng 4 và tăng 161.615 tỷ đồng (tăng 2,86%) so với cuối năm 2021.

Tiền gửi của dân cư cuối tháng 5 đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 36.889 tỷ so với tháng 4 và tăng 268.480 tỷ (tăng 5,07%) so với cuối năm 2021.

Theo đó, người dân đã gửi ròng vào hệ thống hơn 268.400 tỷ trong 5 tháng đầu năm nay, gấp đôi mức tăng 134.000 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và còn cao hơn cả mức tăng của cả năm 2021.

Đáng chú ý, tốc độ tăng dòng tiền nhàn rỗi từ khách hàng cá nhân cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng của tiền gửi từ tổ chức kinh tế. Xu hướng này trái ngược với diễn biến của 2 năm Covid, khi tiền gửi dân cư tăng trưởng thấp hơn nhiều so với tiền gửi của các tổ chức kinh tế, thậm chí có nhiều tháng người dân rút ròng tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng. Còn 5 tháng đầu năm 2022, tiền gửi dân cư đều tăng trưởng dương hàng tháng.

Thực tế, tiền gửi của người dân liên tục tăng trong những tháng đầu năm nay một phần do các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng,... không còn hấp dẫn.

Đơn cử với chứng khoán, sau những đợt giảm điểm liên tiếp của chỉ số VN-Index từ vùng đỉnh 1.530 về dưới 1.150 trong nửa đầu năm 2022, giá nhiều cổ phiếu đã "bốc hơi" tới 50-70%, thậm chí 80% khiến nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi chứng khoán.

Trong khi đó, các nhà băng lại tích cực nâng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền thời gian gần đây nhằm phục vụ cho nhu cầu tín dụng tăng cao. Bước sang đầu tháng 7, nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức điều chỉnh tương đối cao trong khoảng 0,9-1,2%/năm.

Báo cáo mới đây của CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý III/2022 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý IV sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. Chuyên gia kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % trong nửa cuối năm 2022. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm.

Mặt khác, hoạt động thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển với nhiều hình thức thanh toán hiện đại, tiện lợi cũng khiến lượng tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng tăng vọt. Theo thống kê của ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2022, tiền gửi thanh toán của người dân đã tăng thêm hơn 100 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 11%.

Tin liên quan

Đọc tiếp