Tính đến 2040, Việt Nam ước tính phải chi 368 tỷ USD để thích nghi với biến đổi khí hậu

Việt nAM môi trường
13:14 - 15/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo World Bank, tỷ lệ xả phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang trong xu hướng tăng, nếu không sớm có các giải pháp giảm thiểu, thích ứng thì có thể khiến hơn 1 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.

Báo cáo Quốc gia về Khí hậu và Phát triển (CCDR) do nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) công bố ngày 14/7 đã chỉ ra nhiều vấn đề mà Việt Nam đang phải đối diện do các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo World Bank, tính đến năm 2040 Việt Nam ước tính sẽ phải chi 368 tỷ USD để chống chọi và thích nghi với biến đổi khí hậu, trong khi có tới 300 khu vực và thành phố ven biển có nguy cơ lũ lụt, đe dọa đến hoạt động sản xuất và tính cạnh tranh.

Đáng lưu ý, vị trí xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới của Việt Nam đang bị đe dọa khi 50% hoạt động sản xuất lúa gạo là ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi sinh sống của 17 triệu người, có nguy cơ ngập lụt vì mực nước biển dâng cao, ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất lúa gạo, trái cây và thủy hải sản.

“Nếu không thích ứng nhanh chóng và đưa ra biện pháp giảm thiểu rủi ro thiên tai thì nền kinh tế Việt Nam cũng như các nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất sẽ phải hứng chịu thiệt hại nặng nề. Tính dễ bị tổn thương của các cộng động nghèo với biến đổi khí hậu có thể đẩy hơn 1 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030”, báo cáo CCDR chỉ ra.

Từ đó, World Bank tính toán tổng thiệt hại kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu của Việt Nam có thể chiếm 12 – 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050, đặt gánh nặng lớn lên cả tài chính công và tư với các mức thiệt hại khác nhau giữa các vùng:

Cụ thể, ở miền Bắc, nhiệt độ tăng cao có thể làm giảm năng suất do căng thẳng nhiệt và giảm tuổi thọ sinh trưởng của cây trồng, với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng làm giảm sản lượng hàng năm.

Ở miền Trung, các khu vực và thành phố ven biển sẽ phải hứng chịu ngày càng nhiều lũ lụt do bão nhiệt đới.

Ở miền Nam, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rộng lớn - vựa lúa, trái cây và cá của cả nước sẽ phải chịu nhiều rủi ro do mực nước biển dâng cao. Gần một nửa vùng đồng bằng sẽ bị ngập nếu mực nước biển dâng cao 75 - 100 cm trên mức trung bình trong giai đoạn 1980 – 1999, đe dọa thiệt hại kinh tế do độ mặn gia tăng và không thể sản xuất một số loại cây trồng.

Bên cạnh đó, báo cáo của World Bank cũng cho thấy, phát thải khí nhà kính tăng cao sẽ làm tăng ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân và năng suất lao động.

Hiện nay, theo ước tính của World Bank, Việt Nam đang thải ra cường độ carbon cao so với một số nước khác trong khu vực ASEAN ở mức 1,6 lần, trong khi Malaysia, Indonesia ở mức 0,5; Thái Lan ở mức 0,4 và Trung Quốc là 0,7 lần.

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu trên thế giới với xếp hạng 127 trên 182 theo Sáng kiến Thích ứng Toàn cầu Notre Dame (ND-GAIN) và đứng thứ 13 trong số 180 quốc gia theo Chỉ số Rủi ro Khí hậu Toàn cầu của Germanwatch trong giai đoạn 2000 - 2019. Việt Nam cũng chưa sẵn sàng để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, nhiệt độ tăng và mực nước biển dâng cao (xếp hạng 91 trên 192 theo Chỉ số Sẵn sàng của ND-GAIN).

Lượng phát thải gia tăng sẽ ảnh hưởng đến hai nguồn lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam là sản xuất gạo và xuất khẩu các mặt hàng chế biến, chế tạo. Lượng phát thải carbon cao từ hai lĩnh vực này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu chính như Liên minh châu Âu đang cân nhắc đánh thuế carbon tại biên giới của họ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có thể bị ảnh hưởng. Nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm một số công ty hoạt động tại Việt Nam, đã cam kết khử carbon trong những năm tới và đó là dấu hiệu của xu hướng trong tương lai.

Hành trình khử carbon để Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” năm 2050

Để đạt được phát thải ròng bằng “0”, World Bank cho rằng, Việt Nam sẽ phải đầu tư đáng kể vào các lĩnh vực đang là nguồn phát thải chính gồm năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.

“Việt Nam cần các công cụ định giá để hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển dịch công nghệ. Ví dụ, việc tăng thuế carbon lên 29 USD trên mỗi tấn carbon dioxide vào năm 2030 và 90 USD trên mỗi tCO2e vào năm 2040, sẽ tạo ra doanh thu bổ sung 80 tỷ USD. Mặc dù các chính sách như vậy sẽ giúp Việt Nam giảm phát thải khí nhà kính, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo tăng trưởng của đất nước và tạo ra những thay đổi trong cơ cấu GDP, và tạo ra kẻ thắng - người thua”, báo cáo CCDR phân tích.

Một trong những nỗ lực giảm thiểu phát thải ròng của ngành năng lượng Việt Nam là quy hoạch điện VIII. Bình luận về chính sách này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia về chính sách năng lượng cho rằng, Quy hoạch điện VIII đang trong quá trình xem xét với nhiều mục tiêu thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 sẽ dẫn đến những rằng buộc với các ngành khác.

Ảnh tác giả

"Để đạt được chuyển đổi này, báo cáo CCDR đã đưa ra 87 giải pháp, chia làm 3 nhóm chính: Quy hoạch năng lượng sạch bao gồm các mục tiêu giảm năng lượng tái tạo, khử hóa carbon, tăng tính linh hoạt; Lộ trình khử carbon sâu liên quan đến định giá carbon, giảm dần điện than, chuyển dịch trong thị trường lao động; Nhóm giải pháp về hạ tầng với lưới điện thông minh, hạ tầng phân phối chuyển tải điện".

TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia về chính sách năng lượng

“Việt Nam trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện danh sách này và phân tích chi phí, lợi ích để chỉ ra đâu là các giải pháp ưu tiên trong trung và dài hạn”, ông Tuấn gợi mở.

Trong khi đó, GS. Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng trường Đại học Điện Lực cho rằng, vấn đề nhân lực vẫn còn khiêm tốn trong đề cập của báo cáo.

“Dù chính sách có tuyệt vời đến mấy, nguồn tài chính phong phú đến đâu nhưng thiếu nhân lực thì khó hiện thực hóa thành công. Các trường đại học nên tập trung vào việc đặt vấn đề cho sinh viên về chuyển dịch năng lượng, kinh tế tuần hoàn để sinh viên ra trường ý thức được điều quan trọng này”, ông Châu đưa ra ý kiến.

World Bank đề xuất 5 gói chính sách ưu tiên bao gồm:

  • Chương trình cấp vùng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dễ bị tổn thương.
  • Kế hoạch tổng hợp bảo vệ các đô thị ven biển và kết nối giao thông khỏi tác động của thời tiết khắc nghiệt.
  • Chương trình giảm ô nhiễm không khí bao vây khu vực Hà Nội, nơi chất lượng không khí kém đã vượt ít nhất 5 lần giới hạn theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới.
  • Tăng tốc quá trình chuyển dịch sang năng lượng tái tạo bằng cách cải thiện khung pháp lý để khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân.
  • Mở rộng an sinh xã hội để bù đắp những tác động kinh tế mà các giải pháp khí hậu có thể tác động đến những người dễ bị tổn thương nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp