Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế và giảm chi phí của người dân

Y Tế Việt nAM
14:42 - 22/08/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Đồng thời tăng đầu tư ngân sách, giảm mức chi tiền túi của người dân.

Ngày 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, do Bộ Y tế tổ chức.

Hội nghị nhằm tổng kết lại những tồn tại của ngành Y thời gian qua, đặc biệt là sau 2 năm tập trung phòng chống dịch Covid-19. Đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm giải quyết những tồn tại trước mắt của ngành Y như đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cấp phép thuốc, trang thiết bị y tế…

Giải quyết vấn đề tính đúng tính đủ cho ngành y tế

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức đam nhận định, ngành y tế có “một núi việc”, đều là việc cấp bách, cần giải quyết ngay và nhiều vấn đề mà chỉ trong vòng 1 cuộc họp không thể giải quyết hết được.

Trong đó, Phó Thủ tướng chỉ ra vấn đề về chi phí khám chữa bệnh hiện nay. Theo đó, trung bình chi phí khám chữa bệnh những năm trước đây có 70% liên quan đến thuốc, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm. Chi phí này những năm gần đây đã giảm còn 60%, vẫn duy trì được việc sử dụng máy móc, thuốc, thiết bị, vật tư chất lượng cao phần lớn nhập khẩu từ nước ngoài.

Thực tế, mệnh giá bảo hiểm y tế của Việt Nam hiện nay trung bình khoảng 1 triệu đồng/người/năm, chỉ bằng 1/10 – 1/30 của các nước phát triển. Phó Thủ tướng cho rằng muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành y, cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên y tế, thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Nhưng muốn tính đúng, tính đủ thì chỉ có cách là người dân đóng góp, mua bảo hiểm y tế hoặc lấy ngân sách bù vào. Tuy nhiên, người dân thì nghèo, ngân sách thì khó.

Phó Thủ tướng cho rằng về lâu dài, phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, đồng thời cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Theo đó, số tiền mua bảo hiểm hiện nay có 60% là của người dân và 40% đến từ ngân sách nhà nước. Phó thủ tướng cho rằng cần phải tăng mức đầu tư của ngân sách.

Phó Thủ tướng cho rằng vấn đề biên chế cũng là câu chuyện dài. Hiện Việt Nam đang có 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi con số này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22. Việt Nam đang đứng ngang với Ấn Độ và cao hơn Indonesia.

Cùng với đó, hiện nay điều dưỡng viên ở Việt Nam còn rất ít. Theo đó, trên thế giới, cứ 1 bác sĩ thì có 3 - 4 điều dưỡng viên, Nhật Bản thậm chí có đến 9 - 10 người, còn ở Việt Nam 1 bác sĩ chỉ có 1,5 điều dưỡng viên.

Như vậy, yêu cầu giảm 10% biên chế trong tình trạng thiếu bác sĩ và điều dưỡng viên sẽ kéo dài khoảng cách giữa yêu cầu đặt ra và điều kiện, mong muốn triển khai. Phó Thủ tướng cho rằng cần phải giải quyết vấn đề trên yếu tố thực tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, vấn đề y tế cơ sở cũng cần được quan tâm và triển khai hợp lý. Theo Nghị quyết Quốc hội, 30% ngân sách sẽ chi cho y tế dự phòng, nhưng hiện nay mới chỉ chi có 17%, do vướng mắc trong việc lên danh mục dịch vụ y tế.

Ngoài ra, Nghị quyết 20 đã nêu rõ khái niệm y tế cơ sở là y tế huyện, y tế xã là cánh tay nối dài của y tế huyện. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng không nên quá máy móc rằng xã nào cũng phải có bác sĩ, mà cần đặt vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu cho mọi người dân trên khắp địa bàn. UBND huyện cần căn cứ trên tình hình thực tế để quyết định phân bố cơ sở y tế xã, nếu nơi nào xã cách y tế huyện không xa thì không cần thiết cần phải có cơ sở y tế xã riêng biệt.

Đối với tháo gỡ tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế hoàn thành dự thảo Nghị quyết về vấn đề này và trình Chính phủ. Khi Nghị quyết được ban hành, nếu vẫn không mua được trang thiết bị, vật tư y tế thì Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra một số giải pháp cho các vấn đề, vướng mắc được nêu trong hội nghị. Theo đó, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19 và các nội dung về y tế trong chương trình phục hồi và phát triển. Đặc biệt là tiếp tục triển khai hiệu quả 3 trụ cột chống dịch là xét nghiệm, cách ly, điều trị; thực hiện nghiêm 2K+ vaccine, thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân + các biện pháp khác.

Thủ tướng cũng lưu ý cần khẩn trương rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài. Bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời.

Đồng thời, cần phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ. Triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân (nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi (OOP) cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, theo số liệu báo cáo là trên 40%).

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP

Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức.

Ngoài ra, cũng cần cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Tăng cường phân cấp, phân quyền, công khai, minh bạch và chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế. Trong đó có thể kể đến khám chữa bệnh từ xa, thực hiện các thủ tục trên môi trường mạng, kết nối cơ sở cung ứng thuốc, đơn thuốc điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, làm sạch dữ liệu tiêm chủng…

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần tận dụng lợi thế của Việt Nam về dược liệu, tập trung nghiên cứu phát triển công nghiệp dược, ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thuốc, vaccine trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực, tham khảo các kinh nghiệm, quản lý, nhất là chuyển đổi số, phát triển công nghiệp dược…

Tin liên quan

Đọc tiếp