Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam 5 tháng đầu năm: Thương mại, du lịch khởi sắc

CPI thống kê
22:33 - 29/05/2022
Vận tải hành khách đang hồi phục mạnh sau thời gian trầm lắng vì Covid-19.
Vận tải hành khách đang hồi phục mạnh sau thời gian trầm lắng vì Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng cục Thống kê ngày 29/5 công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 với tín hiệu tích cực nhất ở các lĩnh vực thương mại. Đặc biệt, lĩnh vực vận tải hành khách khôi phục mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh bị đẩy lùi.

Về nông, lâm nghiệp và thủy sản

Tính đến ngày 15/5/2022, cả nước gieo cấy được 2.991,8 nghìn ha, bằng 99,5% vụ trước. Năng suất và sản lượng năm nay giảm so với vụ đông xuân năm trước do giá phân bón tăng cao nên nông dân hạn chế đầu tư cùng với đó là ảnh hưởng của mưa trái mùa trên diện rộng trong tháng trước.

Chăn nuôi phát triển ổn định, chăn nuôi lợn và gia cầm đang hồi phục do dịch bệnh kiểm soát tốt, tổng số lợn đến thời điểm cuối tháng 5/2022 ước tính tăng 5,7%; gia cầm tăng 1,9%; tổng số bò tăng 1,6%; tổng số trâu giảm 1,5% so với cùng thời điểm năm 2021. Sản lượng thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt 3.356,9 nghìn tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%).

Về mặt địa lý, chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 61 địa phương và giảm ở 2 địa phương trên cả nước (Trà Vinh giảm 17,2%; Hà Tĩnh giảm 7,5%). Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/5/2022 tăng 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 4,4% so với cùng thời điểm năm trước.

Đăng ký doanh nghiệp

Trong tháng 5, cả nước có 13.400 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,9% về số doanh nghiệp so với tháng trước; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả nước có 98.600 doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 19.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71.800 doanh nghiệp, tăng 20%; bình quân một tháng có 14.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 38.100 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147.800 tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) tính đến ngày 20/5/2022 đạt gần 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài là 293,4 triệu USD với 43 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước; có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 44,9 triệu USD, giảm 88,9%.

Về thu, chi ngân sách Nhà nước: Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 806.400 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán năm và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế chi ước đạt 589.100 tỷ đồng, bằng 33% dự toán năm và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Khách quốc tế tăng gấp 12,8 lần

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,6%. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 93,9%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 477.300 tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19. Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%).

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ có 1 nhóm hàng giảm giá.

Vận tải hành khách tháng 5 khôi phục mạnh mẽ với số lượt hành khách vận chuyển tăng 34% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển tăng 45,7%. Vận tải hàng hóa tiếp tục phát triển tích cực với tốc độ tăng 22,8% về vận chuyển và tăng 22,4% về luân chuyển so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vận chuyển hành khách giảm nhẹ 0,3% so với cùng kỳ năm trước (do 2 tháng đầu năm nay số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh, người dân hạn chế đi lại).

Khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365.300 lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp