Tòa nhà trụ sở FLC đã âm thầm về tay ngân hàng OCB từ 2020

flc OCB
19:19 - 07/05/2022
Toà tháp văn phòng của FLC đã được gán nợ cho ngân hàng OCB từ năm 2020.
Toà tháp văn phòng của FLC đã được gán nợ cho ngân hàng OCB từ năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn FLC đã dùng tòa tháp văn phòng Bamboo Airways tại số 265 đường Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội) để gán nợ cho Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Sau đó, FLC thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Ngày 6/5, Tập đoàn FLC (mã FLC) công bố hơn 300 trang tài liệu bổ sung thông tin và cải chính những thông tin đã công bố sai lệch, theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từ ngày 24/3 năm nay. Trong đó, FLC bổ sung 51 nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về giao dịch giữa FLC với các bên liên quan trong giai đoạn từ 24/3/2020 đến 13/5/2021. Đây là những thông tin thuộc loại phải công bố trong vòng 24 giờ theo quy định tại Thông tư 96/2020, nhưng thực tế đến ngày 6/5/2022, doanh nghiệp này mới công bố.

Đáng chú ý là Nghị quyết HĐQT số 61B ban hành vào ngày 9/11/2020 về việc sử dụng tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tập đoàn FLC và CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes để gán nợ thay thế cho nghĩa vụ trả nợ của Tập đoàn FLC, FLCHomes, CTCP Xây dựng FLC Faros (mã ROS), CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (mã AMD) và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB).

Cụ thể, tài sản mà Tập đoàn FLC dùng để gán nợ là tòa tháp văn phòng 42 tầng tại số 265 phố Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Tòa nhà có 4 tầng hầm và 38 tầng nổi, được khai trương vào năm 2019. Trong đó, các tầng nổi từ 1 đến 5 là khu trung tâm thương mại, tầng 6 là khu kỹ thuật, các tầng từ 7 đến 37 là khu văn phòng. Theo văn bản của FLC thì tổng diện tích các sàn của tòa nhà này là hơn 101.000 m2.

Còn tài sản mà CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes gán nợ cho OCB là thửa đất số 265 Cầu Giấy, gồm Khu 2 1.160m2 (mục đích để xây dựng tháp văn phòng cao 38 tầng nổi và 4 tầng hầm) và Khu 3A+3B+3C 2.297m2 (để xây khu thương mại cao 5 tầng). Thời hạn sử dụng của các thửa đất đều là 50 năm kể từ ngày 3/1/2012.

Theo thông tin công bố, sau khi gán nợ tòa trụ sở chính, HĐQT Tập đoàn FLC quyết định thuê lại một phần diện tích của chính tòa nhà này để phục vụ hoạt động kinh doanh của FLC và các bên thứ ba do FLC chỉ định. Bên cho thuê là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Tòa nhà 265 Cầu Giấy trở thành trụ sở chính của Tập đoàn FLC từ tháng 7/2019. Toà nhà từng có tên là FLC Twin Tower gồm 1 toà tháp văn phòng cao 38 tầng và toà chung cư cao 50 tầng, sau đó được mang tên Bamboo Airways nhằm quảng bá thương hiệu cho hãng hàng không mà tập đoàn vận hành từ đầu năm 2019. Khi chuyển về đây, FLC tiếp tục đổi tên thành FLC Group. FLC từng công bố mức đầu tư cho dự án này là hơn 5.200 tỷ đồng.

Về phía OCB, đây là một trong những ngân hàng cho FLC vay nợ nhiều nhất. Tại đại hội cổ đông vừa qua, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, OCB cho Tập đoàn FLC vay chủ yếu tập trung 2 dự án ở Quảng Ninh. Khi cho vay, ngân hàng căn cứ vào từng dự án cụ thể, phải có đầy đủ pháp lý, giải phóng mặt bằng xong mới cho vay. Các khoản vay này đều có tài sản đảm bảo bằng bất động sản với giá trị trên 2.000 tỷ đồng. Các bất động sản ngân hàng nhận thế chấp có sổ chứ không phải hình thành trong tương lai. Ngoài dư nợ cho vay FLC, OCB cũng cho Bamboo Airways vay 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Tùng, FLC vốn là khách hàng tốt, luôn đảm bảo trả nợ đúng hạn. Tuy nhiên khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt tạm giam, ngân hàng xác định đây là sự kiện rủi ro lớn không chỉ với FLC mà còn ảnh hưởng đến đối tác của FLC nên đang thương thảo thu nợ trước hạn 1.500 tỷ đồng. Đối với Bamboo Airways, nếu hãng hàng không này vẫn hoạt động tốt thì ngân hàng vẫn tạo điều kiện cho vay chứ không thu hồi nợ sớm.

Tin liên quan

Đọc tiếp