Toàn bộ 72 người trên máy bay rơi tại Nepal đều thiệt mạng

Máy bay Nepal
16:11 - 15/01/2023
Hiện trường vụ rơi máy bay chở 72 người ở Pokhara, miền tây Nepal, ngày 15/1. Ảnh: Reuters
Hiện trường vụ rơi máy bay chở 72 người ở Pokhara, miền tây Nepal, ngày 15/1. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Phát ngôn viên hãng hàng không Yeti Airlines là Pemba Sherpa tối 15/1 xác nhận, toàn bộ 72 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc máy bay ATR-72 đâm xuống khu vực Pokhara, miền trung nước này, không có ai sống sót. 

CNA đưa tin, chiếc máy bay ATR-72 cất cánh lúc 10h33 ngày 15/1 từ sân bay thủ đô Kathmandu và gặp nạn khi chỉ còn cách sân bay quốc tế Pokhara, miền trung Nepal vài km. Đây là vụ rơi máy bay thảm khốc nhất tại Nepal kể từ năm 1992, khi máy bay Airbus A300 của Hãng hàng không quốc tế Pakistan bị rơi trong lúc hạ cánh xuống sân bay Kathmandu, khiến toàn bộ 167 người trên máy bay thiệt mạng.

Ông Jagannath Niroula, phát ngôn viên của Cơ quan Hàng không dân dụng Nepal cho biết: "Các hoạt động cứu hộ đang được tiến hành. Thời tiết thì quang đãng".

Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Nepal, ngày 15/1. Video: Twitter @fl360aero

Theo đại diện Hãng hàng không Yeti Airlines, trong số 72 người trên chiếc máy bay ATR 72, có 2 trẻ sơ sinh, 4 thành viên phi hành đoàn và 15 công dân nước ngoài.

Giới chức Nepal xác nhận trên máy bay có 5 người Ấn Độ, 4 người Nga, 2 người Hàn Quốc, 1 người Ireland, 1 người Australia, 1 người Pháp và 1 người Argentina.

Khói bốc lên từ khu vực máy bay rơi. Ảnh: Reuters

Khói bốc lên từ khu vực máy bay rơi. Ảnh: Reuters

Truyền hình quốc gia Nepal quay cảnh khói đen dày đặc bốc lên từ hiện trường vụ tai nạn, trong khi hàng trăm nhân viên cứu hộ đang dập tắt ngọn lửa và đám đông người dân tập trung xung quanh đống đổ nát của chiếc máy bay.

Chính phủ Nepal cho biết lực lượng an ninh đã được huy động đến hiện trường để tham gia cứu hộ và Thủ tướng Pushpa Kamal Dahal đã triệu tập phiên họp nội các khẩn cấp sau vụ tai nạn.

Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal xem truyền hình trực tiếp sau khi vụ tai nạn máy bay xảy ra ở Pokhara. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nepal Pushpa Kamal Dahal xem truyền hình trực tiếp sau khi vụ tai nạn máy bay xảy ra ở Pokhara. Ảnh: Reuters

Theo trang web theo dõi chuyến bay FlightRadar24, chiếc máy bay gặp nạn ATR-72 đã 15 tuổi. Đây là loại máy bay chở khách đường ngắn này bắt đầu được đưa vào hoạt động từ năm 1988. Đến nay đã có hơn 400 chiếc máy bay ATR-72 đã được sản xuất và phục vụ các hãng hàng không trên khắp thế giới.

Ngành hàng không của Nepal đã phát triển bùng nổ trong những năm gần đây, chuyên chở hàng hóa và người giữa các khu vực khó tiếp cận cũng như những người đi bộ và leo núi nước ngoài. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu đã cấm tất cả các hãng hàng không của Nepal vào không phận của họ vì lo ngại về an toàn.

Lực lượng cứu hộ và người dân tại hiện trường. Ảnh: AP

Lực lượng cứu hộ và người dân tại hiện trường. Ảnh: AP

Quốc gia nằm trên dãy Himalaya này có một số đường băng xa xôi và phức tạp nhất thế giới, với hai bên là những đỉnh núi phủ tuyết đặt ra những thách thức đối với ngay cả những phi công lão luyện. Thời tiết cũng có thể thay đổi nhanh chóng ở vùng núi, tạo ra các điều kiện nguy hiểm khi bay.

Hồi tháng 5/2022, tất cả 22 người trên chiếc máy bay Twin Otter do hãng hàng không Nepal Tara Air khai thác, gồm 16 người Nepal, 4 người Ấn Độ và 2 người Đức - đã thiệt mạng sau khi nó bị rơi. Trạm kiểm soát không lưu đã mất liên lạc với chiếc máy bay ngay sau khi nó cất cánh từ Pokhara và hướng đến Jomsom, một địa điểm leo núi nổi tiếng.

Mảnh vỡ máy bay được tìm thấy một ngày sau đó, nằm rải rác trên một sườn núi ở độ cao khoảng 4.400m. Sau vụ tai nạn đó, các nhà chức trách đã thắt chặt các quy định, bao gồm cả việc máy bay chỉ được phép bay nếu có dự báo thời tiết thuận lợi trên toàn tuyến.

Vào tháng 3 năm 2018, một chiếc máy bay của US-Bangla Airlines đã hạ cánh gần Sân bay quốc tế Kathmandu, khiến 51 người thiệt mạng.

Năm 1992, toàn bộ 167 người trên chiếc máy bay của Hãng Hàng không Quốc tế Pakistan thiệt mạng khi máy bị rơi khi đang tiếp cận Kathmandu.

Tin liên quan

Đọc tiếp