Tôm sú Việt gần như không có đối thủ lớn tại thị trường EU

THỦY SẢN Việt nAM
15:18 - 03/05/2022
Tôm sú Việt gần như không có đối thủ lớn tại thị trường EU
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý đầu năm 2022, tôm sú xuất khẩu sang EU tăng hơn 100%. So với các đối thủ khác, tôm sú Việt gần như không có sự cạnh tranh tại thị trường này nhờ chất lượng cao và lợi thế của Hiệp định EVFTA.

Trong quý I/2022, xuất khẩu tôm đạt gần 1 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường “ruột” đều ghi nhận tăng trưởng 2 con số. Nhu cầu của các thị trường lớn đều phục hồi sau chiến dịch tiêm phòng vaccine covid.

Trong quý đầu, xuất khẩu tôm sang Hoa Kỳ đạt gần 195 triệu USD, tăng 45% so với năm 2021; Nhật Bản đạt 149 triệu USD, tăng 18%; Trung Quốc & Hong Kong đạt 106 triệu USD, tăng 70%; Australia đạt 70 triệu USD, tăng 70%...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự báo trong quý II/2022, xuất khẩu tôm vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng cao. Nếu diễn biến thuận lợi, xuất khẩu tôm trong năm 2022 có thể tăng trưởng tới 10%. Xuất khẩu tôm trong năm nay sẽ vững đà tăng trưởng nhờ nhu cầu từ các thị trường và nhờ các Hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, UKVFTA…

Dù vậy, ngành tôm vẫn còn gặp khó khăn khi chi phí vận chuyển vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, bất ổn từ xung đột Nga – Ukraine.

Tôm thẻ chân trắng chiếm tỷ hơn 86% thị phần tôm xuất sang Hàn Quốc

Theo VASEP, trong quý I/2022, xuất khẩu tôm Việt sang Hàn Quốc đạt gần 104 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, quý đầu năm xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc đã có tín hiệu lạc quan hơn so với năm 2021.

Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu tôm chân trắng lớn nhất của Việt Nam (sau Hoa Kỳ và Nhật Bản). Quý I/2022, xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 86,4% tỷ trọng kim ngạch xuất sang Hàn Quốc; tôm sú chiếm 2,9%.

Trong quý đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng tăng 56%, trong khi đó tôm sú lại giảm 14%. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng sống/tươi/đông lạnh sang Hàn Quốc tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021, đây được ghi nhận là mức tăng trưởng mạnh nhất.

Hàn Quốc hiện vẫn ưu tiên đặt hàng tôm chân trắng từ Việt Nam với những sản phẩm nổi bật như tôm chân trắng bỏ đầu, lột vỏ còn đuôi, tôm chân trắng Nobashi tươi…

Theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), 2 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc nhập khẩu tôm đạt gần 135 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2021. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn nhất, chiếm 44,5% thị phần. Hiện, tôm Việt gần như không gặp phải sự cạnh tranh từ các thị trường khác.

Theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới nhờ lực từ các FTA với Hàn Quốc, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ tháng 1/2022.

Trong quý I/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm chân trắng sang Hàn Quốc lần lượt là CTCP Chế biến và Dịch vụ Thủy sản Cà Mau, CTCP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang, CTCO Nha Trang Seafoods - F17…

Xuất khẩu tôm sú sang EU tăng hơn 100%

Trong khi đó tại thị trường EU, quý I/2022, xuất khẩu tôm Việt đạt trên 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Tôm thẻ chân trắng xuất sang thị trường này cũng ghi nhận mức tăng trưởng khả quan, tăng 59%.

Đáng chú ý, tôm sú xuất sang thị trường này tăng tới 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu tôm sú lớn nhất trong khối EU lần lượt là Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ và Pháp.

Các sản phẩm tôm sú chủ yếu xuất khẩu sang EU gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú HOSO tươi đông lạnh…

Hiện, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tại EU đặc biệt ưa chuộng các sản phẩm tôm sú HLSO và bóc vỏ; lĩnh vực tái chế có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm sú HOSO, HLSO… Việt Nam đang là nguồn cung tôm sú lớn thứ hai cho thị trường này. Số lượng sản phẩm tôm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều.

Ngoài ra, tôm sú Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các FTA. Ở phân khúc này, tôm sú Việt Nam không gặp quá nhiều đối thủ cạnh tranh.

Hiện tôm Việt vấp phải cạnh tranh với các sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên với EVFTA, đến năm 2024, thủy sản Việt vào EU sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu. Như vậy, khi đó Việt Nam vừa có lợi thế về chất lượng tôm (kích cỡ to hơn, đạt chuẩn các tiêu chuẩn…), vừa có lợi thế về giá.

Chia sẻ tại Hội nghị giao thương thủy sản Việt Nam - EU 2022 ngày 25/4 vừa qua, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO bà Lê Hằng cho biết, tôm Việt hiện đã được đưa vào siêu thị, chợ và dịch vụ thực phẩm cao cấp của châu Âu nhờ đạt được các chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế.

Do đó sản phẩm tôm Việt, đặc biệt tôm sú hiện đã xâm nhập được vào phân khúc cao cấp của EU. Dự báo trong tương lai kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này vẫn còn tăng trưởng mạnh. Trong quý I/2022, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sú sang EU nhiều nhất bao gồm CTCP Camimex, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Năm Căn….

Tin liên quan

Đọc tiếp