Tổng giám đốc UNESCO: Bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ

DU LỊCH Ninh Bình
18:56 - 06/09/2022
0:00 / 0:00
0:00
Sáng 6/9, tại tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) với chủ đề: "50 năm tới: Di sản thế giới - nguồn lực cho tự cường, tính nhân văn và đổi mới sáng tạo".

Là thành viên của Tổ chức UNESCO từ năm 1976, chính thức phê chuẩn tham gia Công ước 1972 từ ngày 19/10/1987, 35 năm qua Việt Nam luôn được cộng đồng quốc tế đánh giá là thành viên có trách nhiệm, uy tín, luôn thực hiện tốt các quy định của Công ước.

Với nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ, phong phú, đặc sắc, Việt Nam đã lựa chọn, lập hồ sơ 8 di sản văn hóa, thiên nhiên tiêu biểu và được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Thế giới từ quần thể di tích Cố đô Huế được ghi danh đầu tiên năm 1993 tới các di sản Tràng An, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Thành Nhà Hồ và Hoàng thành Thăng Long Hà Nội... Mỗi di sản, theo cách riêng của mình, đã góp phần thể hiện bề dày lịch sử của Việt Nam và sự giàu có, đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 5 lần đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO và là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017.

Phát biểu khai mạc Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Công ước 1972 có thể xem như là "hòn đá tảng", đặt nền móng vững chắc cho công tác bảo vệ di sản, là Công ước quốc tế duy nhất kết hợp giữa việc bảo vệ di sản văn hóa và di sản thiên nhiên, có ảnh hưởng sâu rộng, được các quốc gia thành viên nghiên cứu áp dụng trong việc bảo vệ và quản lý di sản thế giới.

Cũng theo Bộ trưởng, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Di sản văn hóa, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam tiệm cận với tinh thần của Công ước 1972, Hướng dẫn thực hiện Công ước và mục tiêu Phát triển bền vững của UNESCO, tạo hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản Thế giới ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Hà Kim Ngọc nhấn mạnh, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Công ước năm 1972, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho việc bảo vệ, bảo tồn, quảng bá và giáo dục cho thế hệ tương lai các giá trị của các di sản thế giới.

Về phía UNESCO, Tổng Giám đốc Audrey Azoulay cho rằng, đây là sự kiện có ý nghĩa biểu tượng, vừa kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 vừa kỷ niệm 35 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước này.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay

Theo Tổng Giám đốc UNESCO, Việt Nam là quốc gia từng đạt tốc độ phát triển kinh tế vào nhóm cao nhất thế giới trong vòng 20 năm qua, nhưng đồng thời cũng là một quốc gia thực hiện rất nhiều nỗ lực để đảm bảo không hy sinh việc bảo vệ di sản cho phát triển. Khu Di sản Tràng An là một ví dụ điển hình của việc kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững mà vẫn có thể tôn trọng thiên nhiên.

Đây chính là lý do khiến UNESCO chọn Tràng An, cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm một dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, đặc biệt là cho phụ nữ.

Quần thể danh thắng Tràng An.

Quần thể danh thắng Tràng An.

Bên cạnh đó, bà Audrey Azoulay nhấn mạnh UNESCO đồng hành với Việt Nam trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050. UNESCO muốn tăng cường hợp tác xây dựng năng lực cho các cán bộ quản lý các khu di sản, để có thể dự báo tốt hơn về hệ quả lâu dài của biến đổi khí hậu và giải quyết các tình huống khẩn cấp một cách hiệu quả hơn.

Tổng Giám đốc UNESCO cũng nhấn mạnh bảo tồn di sản không phải là chuyện xa xỉ, phải đặt văn hóa và di sản đúng tầm quan trọng đáng có mà ví dụ điển hình ở Việt Nam là mô hình của Tràng An.

Là một trong những tỉnh nổi tiếng với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới Tràng An, chia sẻ với Mekong ASEAN, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết tỉnh đang làm rất tốt trong công tác bảo tồn di sản.

Ảnh tác giả

Ninh Bình đã và đang thực hiện rất tốt những cam kết của tỉnh với UNESCO. Tỉnh đã ban hành các quy định, quy chế để bảo vệ di sản. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành và đặc biệt là địa phương có di sản nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An.

Ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Ninh Bình

"Ninh Bình đã và đang thực hiện rất tốt những cam kết của tỉnh với UNESCO. Tỉnh đã ban hành các quy định, quy chế để bảo vệ di sản. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các cấp các ngành và đặc biệt là địa phương có di sản nâng cao ý thức trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An", ông Mạnh nói.

Ông Mạnh cho biết thêm "Đồng thời, tỉnh cũng mở lớp đào tạo kỹ năng, nâng cao nhận thức cho người dân làm du lịch bền vững, bảo vệ di sản sẽ được hưởng lợi từ di sản. Từ đó, người dân sẽ cùng chính quyền, Nhà nước bảo vệ, gìn giữ di sản".

Bên cạnh những nỗ lực từ phía địa phương, để có thể nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, di sản cho du khách, Giám đốc Sở du lịch tỉnh Ninh Bình còn cho biết tỉnh cũng tuyên truyền để mỗi người dân, những người phục vụ du khách thực hiện tốt những quy định, quy chế của khu tham quan, không xâm hại, tàn phá di sản.

Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình nằm ở rìa phía Nam của đồng bằng sông Hồng,cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km về phía Đông Nam. Di sản có diện tích 6.226 ha, vùng đệm có diện tích 6.026 ha, hầu hết là đất ngập nước và các cánh đồng lúa.

Ngày 25/6/2014, tại thủ đô Doha (Qatar) Ủy ban Di sản Thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An - tỉnh Ninh Bình vào danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới – di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Công ước 1972

Công ước về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới được UNESCO thông qua ngày 16/11/1972, tại Kỳ họp lần thứ 17 diễn ra ở thủ đô Paris, Pháp. Đến nay đã có 194 quốc gia phê chuẩn và trở thành thành viên của Công ước.

Đây là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chỉ di sản thế giới mà còn bảo vệ những di sản văn hóa quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp