Tổng Thanh tra Chính phủ: Ưu tiên xử lý kinh tế, không hình sự hoá vụ việc

THANH TRA QUỐC HỘI
13:41 - 05/11/2022
Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn.
Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời chất vấn.
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, ngày 5/11, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra. Vấn đề liên quan tới ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin cho nhân dân được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Phạm Nam Tiến (Đoàn Đắk Nông) nêu vấn đề, hiện này còn 40% đến 50% số tài sản chưa được thu hồi trong các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương chỉ đạo. Đây là con số không nhỏ vì một vụ án tham nhũng giá trị có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó mới chỉ kiểm soát tài sản trong hệ thống chính trị, còn tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội tham nhũng đang đứng tên chiếm hoặc sở hữu vẫn là một khoảng trống rất lớn, khó kiểm soát. Đại biểu đề nghị Tổng Thanh tra cho biết giải pháp căn cơ nào đặt ra cho việc thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả hơn?

Đại biểu Phạm Nam Tiến. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Phạm Nam Tiến. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) thì đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đã chủ động chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?

Phải chủ động kê biên, tạm giữ, phong toả tài sản

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nêu rõ, công tác này thực hiện theo đúng chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và thực hiện đúng quy định của luật, theo đúng chức năng, nhiệm vụ.

Theo ông Phong, trong thời gian qua đã có nhiều cuộc thanh tra đột xuất có tính phức tạp, quy mô lớn, có nhiều sai phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Qua kết quả thanh tra đã kiến nghị xử lý và chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật như việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn, AVG, dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, dự án Gang thép Thái Nguyên, vụ thuốc ung thư tại CTCP Pharma, các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ...

Các cuộc thanh tra đột xuất này đều được tiến hành với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm cao nhất để kết luận và báo cáo Ban Chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tháng 6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 04 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản vi phạm pháp luật trong các vụ án tham nhũng kinh tế. Điểm mới trong chỉ thị 04 là nếu đối tượng tham nhũng chủ động trả lại tiền thì có thể xem xét yếu tố về thời gian thi hành án.

Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước.

Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5.586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021. Xử lý hơn 1.700 tổ chức và hơn 4.800 cá nhân chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Về thi hành án, đã thi hành xong hơn 1.800 vụ việc với hơn 15.000 tỷ đồng, trên tổng số 2.700 vụ việc với hơn 43.000 tỷ đồng, tăng hơn 11.800 tỷ đồng so với năm 2021.

Các đại biểu trong phiên chất vấn lĩnh vực thanh tra. Ảnh: Quochoi

Các đại biểu trong phiên chất vấn lĩnh vực thanh tra. Ảnh: Quochoi

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

Ưu tiên xử lý kinh tế

Phát biểu phản biện, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) đề cập đến việc thu hồi tài sản bất minh do người khác đứng tên là rất khó, chưa có giải pháp hiệu quả để thu hồi. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí từng khẳng định vấn đề này có nhiều nguyên nhân, đặc biệt trong điều kiện chưa có Luật về đăng ký tài sản thì nên chuyển hướng từ xử lý hình sự sang khởi kiện dân sự sẽ thu hồi được nhiều hơn.

Đại biểu Đồng đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết có tán thành quan điểm này không? Nếu tán thành thì giải pháp là gì? Nếu không tán thành, Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì tốt hơn không?

Với câu hỏi này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định quan điểm nhất quán của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chính phủ là “có gì có thể xử lý được về mặt kinh tế thì xử lý kinh tế, không hình sự hoá”.

Đối với những vụ việc chưa phân định rõ là hình sự hay kinh tế, thì ưu tiên xử lý kinh tế. Tuy nhiên chỉ trong thời hạn nhất định. “Như bây giờ có một số kết luận cho phép từ 1,5-2 năm xử lý kinh tế như thu hồi nhà đất để đấu giá. Nhưng sau thời hạn cho phép đó mà không thực hiện được thì sẽ chuyển đến cơ quan điều tra”, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.

Về cơ chế thanh tra lại các đoàn thanh để tìm ra tiêu cực tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, trong Luật chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Thực tế, khi có yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước thì ngành vẫn thực hiện. Ví dụ vừa qua Bộ Công an có một số vụ việc báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng giao ngành thanh tra tiến hành thanh tra lại kết quả này…

Để có giải pháp hiệu quả, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư 06 và Chỉ thị 719 chấn chỉnh trong hoạt động thanh tra; quy chế tổ chức hoạt động đoàn thanh tra. Đây là giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, phiền hà trong hoạt động của thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, dư luận có phản ánh, cán bộ thanh tra trong ngành có biểu hiện và dấu hiệu tiêu cực; mong các đại biểu Quốc hội và cử tri phản ánh trực tiếp để Tổng Thanh tra xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp