Tổng thống Biden ký phê chuẩn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

NATO Phần Lan
08:35 - 10/08/2022
Mỹ trở thành nước thứ 23 phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: AP
Mỹ trở thành nước thứ 23 phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 9/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký các văn kiện phê chuẩn, tuyên bố chấp thuận Phần Lan và Thụy Điển là thành viên của NATO. Đây được coi là một phần của quá trình định hình lại thế trận an ninh châu Âu sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra. 

Theo Reuters, phát biểu sau khi đặt bút ký vào văn kiện phê chuẩn, Tổng thống Biden cho biết: "Đây là một thời khắc quan trọng đối với nền an ninh và sự ổn định to lớn không chỉ của châu Âu và nước Mỹ, mà còn của cả thế giới”.

Tổng thống Joe Biden đặt bút ký vào văn kiện phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển. Nguồn: AP

"Phần Lan và Thụy Điển tham gia vào liên minh sẽ tăng cường an ninh tập thể của NATO và làm sâu sắc quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Tôi mong đợi sẽ được ký các nghị định thư kết nạp này cũng như hoan nghênh việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO", ông Biden cho hay.

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng nhấn mạnh: "Trong tiến trình gia nhập NATO, Phần Lan và Thụy Điển đang thực hiện một cam kết thiêng liêng rằng một cuộc tấn công chống lại một bên là cuộc tấn công chống lại tất cả". Ông Biden gọi mối quan hệ đối tác đó là "liên minh không thể thiếu", theo AP.

Ông Biden kêu gọi các thành viên NATO nhanh chóng hoàn thành quá trình phê chuẩn. Ảnh: AP

Ông Biden kêu gọi các thành viên NATO nhanh chóng hoàn thành quá trình phê chuẩn. Ảnh: AP

Mỹ trở thành nước thứ 23 phê chuẩn tư cách thành viên NATO cho Phần Lan và Thụy Điển. Ông Biden cho biết đã nói chuyện với nguyên thủ hai quốc gia này trước khi ký phê chuẩn, đồng thời kêu gọi gọi các thành viên NATO còn lại hoàn thành quá trình phê chuẩn “càng nhanh càng tốt”.

Tuần trước, Thượng viện Mỹ đã thông qua đơn gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, với kết quả bỏ phiếu áp đảo 95 - 1. Với kết quả đó, Tổng thống Biden cho rằng nước Mỹ "vẫn có thể làm được những việc lớn lao" với ý thức thống nhất về chính trị.

Trong khi đó, cả hai Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tán thành tư cách thành viên của hai quốc gia này, đồng thời mô tả họ là những đồng minh quan trọng và hợp tác chặt chẽ với NATO.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (bên trái), Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg (giữa) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (bên phải), ngày 5/7. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (bên trái), Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg (giữa) và Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde (bên phải), ngày 5/7. Ảnh: Reuters

Phần Lan và Thụy Điển hôm 18/5 đã nộp đơn xin gia nhập NATO, chấm dứt thời kỳ trung lập từ hàng chục đến hàng trăm năm qua.

Theo quy định, tất cả 30 thành viên NATO phải phê duyệt đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển trước khi hai quốc gia được kết nạp vào khối. Tuy nhiên, theo danh sách của NATO, hiện có Cộng hòa Czech, Hy Lạp, Hungary, Bồ Đào Nha, Slovakia, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thông qua quyết định.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan và Thụy Điển nhượng bộ một số vấn đề, trong đó có ý định dẫn độ hàng chục người bị Ankara coi là “khủng bố”, trước khi nước này tuyên bố ủng hộ tư cách thành viên. Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/7 cho biết một ủy ban đặc biệt sẽ tiến hành họp với Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 8 để đánh giá hai nước Bắc Âu có đồng ý với điều kiện của Ankara hay không.

Trong khi đó, Nga nhiều lần phản đối việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 6 tuyên bố, không thể tránh khỏi việc quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm sẽ trở nên xấu đi khi Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO. Đồng thời, Moscow sẽ đáp trả tương xứng nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở hai quốc gia này.

Tin liên quan

Đọc tiếp