Tổng thống Nga yêu cầu hủy kế hoạch tấn công Azovstal

chiến sự Nga - Ukraine
17:20 - 21/04/2022
Quang cảnh nhà máy thép Azovstal trước các đợt tấn công bằng pháo của quân đội Nga. Ảnh: Reuters
Quang cảnh nhà máy thép Azovstal trước các đợt tấn công bằng pháo của quân đội Nga. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu hôm 21/4, Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh hủy bỏ kế hoạch tấn công nhà máy thép Azovstal, nơi cố thủ cuối cùng của hơn 2.000 binh lính Ukraine tại thành phố cảng Mariupol.

Theo báo cáo của ông Sergey Shoigu, các lực lượng vũ trang Nga đã hoàn toàn kiểm soát được thành phố Mariupol – cảng chính của khu vực Donbass. Lực lượng duy nhất còn kháng cự là hơn 2.000 binh sỹ Ukraine cùng lính đánh thuê vẫn đang cố thủ bên trong nhà máy thép Azovstal. Nhiều nguồn tin cả thân Nga lẫn phương Tây đều cho rằng lực lượng này sẽ không thể cầm cự được bao lâu nữa.

Tuy nhiên, hãng tin RT dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết, kế hoạch công phá khu vực nhà máy thép do ông Shoigu đưa ra là “không cần thiết”. Thay vào đó, ông Putin đề nghị hủy bỏ kế hoạch này và phong tỏa khu vực xung quanh, trong khi tiếp tục kêu gọi các tay súng hạ vũ khí đầu hàng do khu vực này đã bị cắt đứt nguồn cung hoàn toàn.

Xe buýt chở những người ra hàng cùng dân thường mà phía quân đội Nga chuẩn bị. Ảnh: Reuters

Xe buýt chở những người ra hàng cùng dân thường mà phía quân đội Nga chuẩn bị. Ảnh: Reuters

Từ lúc chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu hôm 24/2, Mariupol là nơi xảy ra những cuộc giao tranh ác liệt nhất. Khi thành phố cảng này bị bao vây hồi đầu tháng 3, ông Shogui cho biết quân đội Nga ước tính có khoảng 8.100 binh sĩ phe Ukraine, bao gồm cả lính đánh thuê nước ngoài bị vây bên trong thành phố.

Phía Nga cũng khẳng định đã có hơn 1.400 binh sỹ trong số trên ra hàng, trong khi chính phủ Ukraine phủ nhận thông tin này. Nga cũng đã tìm cách thiết lập các hành lang nhân đạo cho những người muốn rời bỏ nhà máy thép nhưng cả 2 lần nỗ lực đều thất bại.

Theo ông Shoigu, Nga đã chuẩn bị 90 xe buýt cùng 25 xe cứu thương bên ngoài cùng các camera để theo dõi tình hình, nhưng không có một ai rời khỏi nhà máy Azovstal. Thay vào đó, các lực lượng Ukraine cố thủ bên trong đưa ra các điều kiện riêng để rời nhà máy.

Ông Svyatoslav Palamar, phó chỉ huy tiểu đoàn Azov tuyên bố quân Ukraine sẽ chỉ rời khỏi khu vực nhà máy Azovstal với sự hậu thuẫn của “một bên thứ 3”, trong khi vẫn được quyền mang theo vũ khí của mình. Ông cũng khẳng định phía Ukraine “từ chối yêu cầu của Liên bang Nga về việc bỏ cuộc với tư cách tù nhân”.

Trưởng phái đoàn đàm phán Ukraine Mikhailo Podolyak thì đề xuất trên Twitter tối 20/4 rằng, các cuộc đàm phán nên được tổ chức ngay tại Mariupol về số phận của những binh sĩ mắc kẹt mà không cần bất kỳ điều kiện nào.

Người dân Ukraine tại Mariupol vẫy tay với các xe buýt sơ tán của quân đội Nga. Ảnh: Reuters

Người dân Ukraine tại Mariupol vẫy tay với các xe buýt sơ tán của quân đội Nga. Ảnh: Reuters

Ở một diễn biến khác, Reuters cho biết chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 36 của Ukraine ông Sergey Volina khẳng định “hàng trăm” dân thường vẫn đang bị mắc kẹt trong nhà máy trên cùng với “hàng chục nghìn” dân thường khác đã tử vong. Tuy nhiên, phía Nga phản bác lại rằng Mariupol hiện an toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân đội nước này và hơn 140.000 dân thường cũng đã được sơ tán thành công.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine diễn ra sắp tròn hai tháng với số lượng người Ukraine tị nạn vượt mức 5 triệu người. Phái đoàn từ 2 nước và cả những nước thứ 3 đã tổ chức nhiều buổi hòa đàm, tuy nhiên tiến triển được cho là không đáng kể. Moscow nhận xét phía Ukraine không có dấu hiệu muốn hợp tác đẩy nhanh các thỏa thuận hòa bình. Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, Ukraine "thiếu nhất quán" và thay đổi quan điểm liên tục.

Trong bối cảnh đó, giai đoạn tiếp theo của chiến dịch vẫn đang được tiến hành với các cuộc giao tranh khốc liệt ở Donbass. Quân đội Ukraine khẳng định các lực lượng Nga vẫn chưa chiếm được thị trấn Rubizhne nhưng đã kiểm soát thành công thị trấn bên cạnh là Kreminna.

Trong ngày 20/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố nước này đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat, đánh dấu một bước hỗ trợ quan trọng trong công cuộc củng cố an ninh quốc phòng quốc gia. Với khả năng tấn công mục tiêu ở “bất kỳ đâu trên thế giới”, siêu tên lửa này có thể mang theo ít nhất 10 đầu đạn hạt nhân ở tầm bắn trên 18.000km.

Đọc tiếp

Giá dầu và giá vàng thế giới tăng sau khi Israel được nghi đã tấn công Iran ngày 19/4/2024. Ảnh: The Star

Giá dầu tăng 3% sau tin Israel tấn công Iran

Tin tức về các cuộc tấn công được nghi là do Israel tiến hành gần căn cứ không quân ở thành phố Isafahan, miền trung Iran ngày 19/4 nổ ra, làm dấy lên lo ngại về xung đột mở rộng tại Trung Đông, đẩy giá dầu và giá vàng thế giới ngay lập tức gia tăng.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.