Tổng thống Putin cảnh báo châu Âu đang 'tự sát về kinh tế' khi cấm dầu Nga

NĂNG LƯỢNG NGA
15:05 - 18/05/2022
Tổng thống Nga Vladimir Putin. ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin. ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng EU đang “tự sát về kinh tế” khi trừng phạt năng lượng của nước này, đồng thời nhấn mạnh lạm phát năng lượng ở phương Tây không phải do Moscow.

Phát biểu tại một cuộc họp về năng lượng hôm 17/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, khi châu Âu tìm cách loại bỏ dần nguồn cung năng lượng từ Moscow đồng nghĩa với việc sẽ chỉ tự làm hại mình. Ông cũng kêu gọi các quan chức Nga tận dụng các hành động "thiếu suy nghĩ" của phương Tây để mang lại lợi ích cho đất nước.

“Tất nhiên một vụ tự sát kinh tế như vậy đương nhiên là vấn đề nội bộ của các nước châu Âu. Chúng ta phải hành động một cách thực dụng, tiến hành chủ yếu từ lợi ích kinh tế của chúng ta”, RT dẫn lời Tổng thống Putin phát biểu.

Khu chứa dầu tại thành phố Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS
Khu chứa dầu tại thành phố Novokuibyshevsk của Nga. Ảnh: TASS

Theo ông Putin, châu Âu thừa nhận chưa thể từ bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng của Nga. Tuy nhiên, các nước này đã đặt ra một nhiệm vụ "mà không cần quan tâm đến những thiệt hại đã gây ra cho nền kinh tế của chính họ”.

"Các biện pháp trừng phạt và tuyên bố về việc từ bỏ năng lượng của Nga đã góp phần vào sự tăng giá dầu trên toàn thế giới”, ông Putin nhấn mạnh.

“Ngày nay, chúng ta thấy rằng vì những lý do chính trị, vì tham vọng của riêng họ và dưới áp lực từ Mỹ, các nước châu Âu đang áp đặt ngày càng nhiều biện pháp trừng phạt mới đối với thị trường dầu khí. Tất cả những điều này dẫn đến lạm phát. Và thay vì thừa nhận sai lầm của mình, họ đang tìm cách gán tội ở một nơi khác. Họ đang cố gắng đổ lỗi lạm phát năng lượng này cho Nga”, ông Putin nói thêm.

Theo Tổng thống Putin, thị trường dầu mỏ "đang trải qua những thay đổi mang tính kiến tạo và việc hoạt động kinh doanh bình thường theo mô hình cũ dường như là không thể". Ông cho biết chính phủ Nga sẽ giúp các công ty thay đổi mô hình kinh doanh.

Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt nhiều biện pháp cấm vận chưa từng có với Moscow và tiếp tục thảo luận vòng trừng phạt thứ 6, trong đó có lệnh cấm vận dầu mỏ từ Nga.

Trong khi đó, Nga cũng đã đáp trả các biện pháp trừng phạt bằng việc yêu cầu những "quốc gia không thân thiện" thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng Rúp, nếu không Nga sẽ cắt nguồn cung của họ. Tháng trước, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, sau đó thông báo ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu qua đường ống chạy qua Ba Lan.

Trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng, giá khí đốt ở châu Âu được dự báo sẽ có thể tăng gấp 3 lần. Rystad Energy, công ty nghiên cứu năng lượng có trụ sở tại Na Uy, cho biết giá khí đốt toàn châu Âu có thể lên tới 3.500 USD/1.000 mét khối vào mùa đông tới. Nguy cơ về một “cơn bão mùa đông hoàn hảo” có thể đang hình thành ở châu Âu, khi châu lục này tìm "chia tay" năng lượng Nga, trong khi có khả năng không đủ khí đốt để bù đắp nguồn cung từ Nga trong thời tiết giá lạnh.

Để có thể đi đến động thái cuối cùng là cấm vận năng lượng Nga, thành viên các quốc gia EU phải đạt được sự đồng thuận, nhưng một nhóm các nước, tiêu biểu là Hungary, đã lên tiếng phản đối.

EU đã xoa dịu quan điểm này bằng cách cung cấp cho Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia thêm thời gian để loại bỏ dần sự phụ thuộc nhiều vào dầu của Nga, nhưng Budapest vẫn chưa đồng ý. Chính phủ Hungary yêu cầu cần 800 triệu Euro (tương đương 830 triệu USD) trong quỹ của EU để hiện đại hóa một nhà máy lọc dầu và nâng cao công suất của một đường ống dẫn đến Croatia. Ngoài ra, nước này cũng đang tìm cách miễn lệnh cấm vận mà EU đã đề xuất trong ít nhất 4 năm.

Tin liên quan

Đọc tiếp