Top 10 hộ chiếu quyền lực nhất 2022: Nhật Bản và Singapore đứng đầu

Hộ chiếu THẾ GIỚI
09:04 - 13/01/2022
Top 10 hộ chiếu quyền lực nhất 2022: Nhật Bản và Singapore đứng đầu
0:00 / 0:00
0:00
Theo Công ty tư vấn và cư trú toàn cầu Henley & Partners, Top 10 hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2022 gần như không có sự thay đổi so với năm ngoái. Trong khi đó, hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 89, tăng 6 bậc so với 2021.

Có một khoảng cách lớn giữa bán cầu bắc và bán cầu nam khi nói đến quyền tự do đi lại, theo báo cáo đầu tiên năm 2022 của Henley & Partners có trụ sở tại London.

Chỉ số Hộ chiếu Henley của hãng dựa trên dữ liệu độc quyền do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp, thường xuyên đánh giá các cuốn hộ chiếu thuận lợi nhất để đi lại trên thế giới kể từ năm 2006.

Chỉ số này không tính đến các hạn chế đi lại tạm thời do đại dịch Covid-19. Do vậy, bỏ qua những lệnh hạn chế hiện hành, những quốc gia sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới là Nhật Bản và Singapore. Hộ chiếu của hai quốc gia này có thể đi lại tới 192 điểm đến trên thế giới mà không cần thị thực.

Trong khi đó, Afghanistan đứng ở cuối danh sách (xếp hạng 199) khi chỉ có thể đi lại tới 26 quốc gia mà không cần xin thị thực trước.

Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2022, với 192 điểm. Ảnh: Courtesy

Nhật Bản và Singapore là hai quốc gia sở hữu cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2022, với 192 điểm. Ảnh: Courtesy

Thứ hạng trong top 10 gần như không có sự thay đổi trong quý đầu tiên của năm 2022. Hàn Quốc và Đức vẫn giữ vị trí thứ hai với 190 điểm, trong khi Phần Lan, Italy, Luxembourg và Tây Ban Nha đồng vị trí thứ ba (với số điểm đến không cần visa là 189).

Các nước EU, như thường lệ, vẫn chiếm ưu thế trong danh sách này với Pháp, Hà Lan và Thụy Điển vươn lên một bậc để cùng với Áo và Đan Mạch giữ vị trí thứ tư với 188 điểm. Ireland và Bồ Đào Nha cùng giữ vị trí thứ năm với 187 điểm.

Mỹ và Anh đã lấy lại được vị thế khi cũng tăng 1 bậc để giữ vị trí thứ 6 cùng với 4 nước khác gồm: Thụy Sỹ, Na Uy, Bỉ và New Zealand.

Hộ chiếu Mỹ giữ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng quyền lực.

Hộ chiếu Mỹ giữ vị trí thứ 6 trên bảng xếp hạng quyền lực.

Vị trí thứ 7 thuộc về Australia, Canada, Cộng hòa Czech, Hy Lạp và Malta. Các quốc gia Đông Âu chiếm các vị trí còn lại trong top 10, gồm Hungary và Ba Lan giữ vị trí thứ 8, Litva và Slovakia giữ vị trí thứ 9 trong khi Estonia, Latvia và Slovenia giữ vị trí thứ 10.

Hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 89, thăng 6 hạng so với 2021, có thể đến 54 quốc gia, vùng lãnh thổ mà không cần xin thị thực hoặc chỉ cần visa on arrival (visa nhập cảnh sân bay) hay eTA (visa điện tử).

Hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 89 trong xếp hạng, thăng 6 bậc so với năm 2021.

Hộ chiếu Việt Nam đứng thứ 89 trong xếp hạng, thăng 6 bậc so với năm 2021.

Trong khu vực Đông Nam Á, hộ chiếu Malaysia xếp thứ 12 với 179 điểm đến miễn visa, Thái Lan thứ 65 (79 điểm), Lào thứ 93 (50 điểm), Campuchia thứ 90 (53 điểm) và Indonesia thứ 72 (71 điểm).

Báo cáo mới đây này cũng nhận định rằng, sự xuất hiện của biến chủng Omicron vào cuối năm 2021 đã gây ra sự chia rẽ ngày càng gia tăng về việc đi lại quốc tế giữa những nước giàu và nước nghèo. Trong đó, các biện pháp hạn chế đi lại nghiêm ngặt được áp dụng chủ yếu với các nước châu Phi, khiến Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mô tả là giống như “du lịch phân biệt chủng tộc”.

Những hộ chiếu nằm cuối bảng xếp hạng:

104. Triều Tiên (39)

105. Nepal và vùng lãnh thổ Palestine (37)

106. Somalia (34)

107. Yemen (33)

108. Pakistan (31)

109. Syria (29)

110. Iraq (28)

111. Afghanistan (26)

Nếu không tính tới yếu tố đại dịch, mức độ tự do đi lại trên thế giới đã được mở rộng đáng kể trong vài thập kỷ qua.

Chỉ số Hộ chiếu Henley năm 2006 cho thấy, trung bình một quốc gia có thể tới 57 nước mà không cần xin trước thị thực. Ngày nay, con số này là 107, tăng gần gấp đôi. Tuy nhiên, sự tự do đi lại này chủ yếu áp dụng ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ và những nước giàu ở châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Christian H. Kaelin, Chủ tịch Henley & Partners và là người sáng tạo ra khái niệm chỉ số hộ chiếu cho rằng, việc mở ra các kênh đi lại có vai trò quan trọng với quá trình phục hồi sau đại dịch.

“Hộ chiếu và thị thực là một trong những công cụ quan trọng nhất tác động đến bất bình đẳng xã hội trên toàn thế giới vì chúng xác định cơ hội cho sự di chuyển toàn cầu.[...]Các quốc gia giàu có hơn cần khuyến khích di cư tích cực hơn, trong nỗ lực giúp phân phối và cân bằng lại nguồn nhân lực và vật lực trên toàn thế giới", ông nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp