Top 10 nhà băng nặng gánh nợ xấu nhất năm 2021

NGÂN HÀNG Việt nAM
06:55 - 10/02/2022
Top 10 ngân hàng mang nợ xấu lớn trong năm qua có sự thay đổi so với 2020.
Top 10 ngân hàng mang nợ xấu lớn trong năm qua có sự thay đổi so với 2020.
0:00 / 0:00
0:00
Khép lại năm tài chính 2021, VPBank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu với hơn 15.800 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. VietinBank và BIDV lần lượt xếp vị trí thứ hai và thứ ba.

Nợ xấu luôn là gánh nặng với các ngân hàng. Năm qua, dù hầu hết các bank đều đại thắng trong kết quả kinh doanh nhưng nỗi lo nợ xấu vẫn thường trực. Bằng chứng là hàng loạt nhà băng đã trích phòng nợ xấu với con số khổng lồ, thậm chí “ăn vào” một nửa lợi nhuận.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, nợ xấu tiềm ẩn còn cao hơn nhiều so với con số trên. Nếu tính cả các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) nhưng chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn thì tỷ lệ lên tới 3,79%. Đặc biệt là trong năm qua, các ngân hàng đã xử lý tái cơ cấu nhiều khoản nợ cho các khách hàng bị khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Hiện tại, bức tranh tài chính ngành ngân hàng năm 2021 đã hoàn thiện khi tất cả các bank đã công bố báo cáo kinh doanh quý IV hợp nhất. Theo đó, con số nợ xấu của từng nhà băng cũng lộ diện và bảng xếp hạng top 10 mang nợ xấu cao nhất có sự thay đổi đáng kể.

Dẫn đầu là VPBank với hơn 15.800 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước. Mặc dù giảm tỷ trọng cho vay tín chấp và thúc đẩy tích cực xử lý nợ nhưng trong năm qua, tỷ lệ nợ xấu hợp nhất của VPBank qua vẫn tăng từ mức 3,41% lên 4,47%; trong đó tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ có phần đi ngang, ở mức 1,51%.

Ở vị trí thứ hai là VietinBank (Mã ck: CTG)với khoản nợ xấu gần 14.300 tỷ đồng, tăng gần 49% so với năm trước. Diễn biến này đến từ việc khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh gần 275% lên hơn 7.000 tỷ đồng. Như vậy, thành viên nhóm “big 4” bất đắc dĩ phải tăng lên một bậc so với 2020.

BIDV từ vị trí dẫn đầu năm 2020 đã lui xuống hàng thứ 3. Năm qua, khoản nợ xấu của ngân hàng giảm gần 38% xuống còn hơn 13.200 tỷ đồng. Trong đó nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58%, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm xuống.

7 ngân hàng còn lại trong top 10 về nợ xấu gồm có Vietcombank, Sacombank, SHB, VIB, HDBank, MB và ACB. Như vậy HDBank và ACB là hai gương mặt mới gia nhập còn Eximbank và LienVietPostBank đã rời khỏi danh sách.

Tăng mạnh cho chi phí dự phòng

Lường trước nợ xấu từ nợ tái cơ cấu nên nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro để gia tăng “bộ đệm” chống đỡ. Trong đó, Vietcombank giành ngôi “vô địch” về tỷ lệ bao phủ nợ xấu với tỷ lệ lên tới 424%. Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Ngân hàng trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong năm 2021, BIDV cũng là ngân hàng đưa tỉ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất từ trước đến nay, đạt 235%, trong khi tại thời điểm 30/9/2021 ở mức 140% và cuối năm 2020 chỉ là gần 89%. Tương tự, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank hiện ở mức 171%, tăng mạnh so với con số 132% của cuối năm 2020.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất ghi nhận ở MBBank. Mặc dù nợ xấu hợp nhất duy trì ở mức thấp, chỉ 0,9% (riêng ngân hàng là 0,68%) nhưng quỹ dự phòng bao phủ nợ xấu riêng của ngân hàng lên tới gần 400%, hợp nhất gần 268%.

VPBank, ACB, Techcombank, SHB, TPBank, LienVietPostBank… cũng là các ngân hàng chi mạnh cho dự phòng rủi ro nợ xấu.

Theo Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 - trong phần nhiệm vụ liên quan đến ngành ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu phải hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng đã có động thái xử lý nợ xấu tồn đọng.

Như Vietcombank vừa rao bán loạt tài sản hơn 1.000 tỷ đồng để thu hồi nợ. Đó là các tài sản bảo đảm cần phát mại của khoản vay bao gồm quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất như nhà xưởng, máy móc thiết bị của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam. Các tài sản rao bán có địa chỉ tại TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích lên tới hơn 30.000m2.

BIDV Thừa Thiên - Huế thông báo phát mại quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất có diện tích hơn 1.100 m2. Nhà đất này nằm tại đường Hùng Vương (TP Huế) với giá khởi điểm hơn 99 tỷ đồng, là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Thanh Trang.

Còn VietinBank Khu công nghiệp Bình Dương đấu giá quyền sử dụng và tài sản gắn liền trên thửa đất rộng hơn 7.400 m2 tại đường Tân Kỳ Tân Quý (Bình Tân, TP HCM), giá khởi điểm 230 tỷ đồng. Đây là tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty TNHH Lục Kim Quân.

Tin liên quan

Đọc tiếp