Top 3 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam

Cá ngừ Việt nAM
07:18 - 17/05/2022
Top 3 thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Trong quý I/2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đạt 259 triệu USD, tăng 72%, với 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ, Canada và Arab Saudi. Trong đó, thị trường Arab Saudi mới "làm quen" với cá ngừ Việt được 9 tháng nhưng đã có sự tăng trưởng nhanh chóng.

Mỹ là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất trong quý I/2022

Top 3 thị trường nhập khẩu cá ngừ chính của Việt Nam là Mỹ đạt 137 triệu USD; Canada đạt 14 triệu USD và Arab Saudi đạt 10 triệu USD. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 116% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, sản lượng đánh bắt cá ngừ tại khu vực EPO (Khu vực Đông Thái Bình Dương) tương đối thấp, do đó nguồn cung cá ngừ từ các nước Châu Mỹ như Ecuador cho thị trường Mỹ ghi nhận đà giảm. Chính vì vậy Mỹ sẽ phải tăng nhập khẩu từ các các nước tại khu vực khác như Thái Lan hay Việt Nam. Dự báo xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng trong nửa đầu năm nay.

Trước đó trong năm 2021, Mỹ nhập khẩu 297.205 tấn cá ngừ của Việt Nam, đạt trị giá 39 triệu USD, tăng lần lượt 27% về lượng và 6% về trị giá so với năm 2020. Năm 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cá ngừ lớn thứ 2 cho thị trường Mỹ (sau Thái Lan), chiếm 16% thị phần nhập khẩu về khối lượng cá ngừ của thị trường này.

Xuất khẩu cá ngừ sang Canada tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021

Trong quý I/2022, xuất khẩu cá ngừ sang Canada đạt 14 triệu USD, tăng 70% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Việt Nam xuất khẩu sang Canada chủ yếu là thịt/loin cá ngừ đông lạnh (Loin cá ngừ là phần thịt thăn dọc sống lưng của cá ngừ, mã HA0304), chiếm 74% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 2 tháng đầu năm 2022.

Đánh giá về thị trường Canada, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết đây là thị trường có quy mô không lớn như Hoa Kỳ nhưng được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với cá ngừ Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế (ITC), Canada hiện là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 16 trên thế giới. Với dân số gần 38 triệu người và chính sách đón nhận khoảng 400.000 người nhập cư mỗi năm, nhu cầu thủy sản (bao gồm cá ngừ) của Canada ngày càng tăng.

Ngoài ra, các sản phẩm thủy sản Canada và Việt Nam có tính tương trợ lẫn nhau, tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp Canada và doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không cao.

Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Canada 19.271 tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong năm này, cá ngừ Việt chiếm 9,9% thị phần tại Canada, đứng thứ 3 (sau Thái Lan và Italia).

Năm 2021, có 31 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này. Trong đó, bốn công ty xuất khẩu cá ngừ lớn nhất chiếm trên 65% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ sang Canada; bao gồm Yueh Chyang Canned Food, Foodtech, Bidifish, Tithico, Phuc Nguyen Seafood và Mowi.

Xuất khẩu cá ngừ sang Arab Saudi

Trong quý I/2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Arab Saudi đạt mức 10 triệu USD, chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ trong 3 tháng đầu năm 2022.

Arab Saudi chủ yếu nhập khẩu thịt/loin cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam, chiếm tới 99% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng cá ngừ sang thị trường này.

Trước đó, lô hàng cá ngừ đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Arab Saudi vào tháng 7/2021. Sau 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã tăng từ 85.000 USD trong tháng 7/2021 lên gần 5 triệu USD trong tháng 3/2022.

Đây vẫn là thị trường còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Riêng trong năm 2020, đây là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 12 trên thế giới về giá trị.

Tình hình xuất khẩu cá ngừ sang Arab Saudi. Ảnh: VASEP

Tình hình xuất khẩu cá ngừ sang Arab Saudi. Ảnh: VASEP

Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Arab Saudi và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi hồ sơ đề nghị cung cấp giấy phép xuất khẩu cho 25 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, trong đó bao gồm cả cá ngừ. Nếu được thông qua, Việt Nam đặt kỳ vọng xuất khẩu cá ngừ sẽ có sự bước phát triển đột phá.

Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng Kim, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Arab Saudi cho biết, mặc dù thị trường này còn nhiều tiềm năng để khai thác, tuy nhiên vẫn còn một số rào cản doanh nghiệp cần lưu ý. Đầu tiên là chi phí vận tải từ Việt Nam sang Arab Saudi tăng cao là khó khăn lớn nhất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đáp ứng đúng và đủ các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm và quy định nhãn mác đóng gói khi xuất khẩu hàng hóa sang Arab Saudi. Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Arab Saudi (SFDA) ban hành và quy định các điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ, kiểm tra việc tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tước giấy phép kinh doanh, phạt tiền, thậm chí phạt tù, tất cả hàng vi phạm đều bị tiêu hủy…

Theo VASEP, xuất khẩu cá ngừ trong thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những tháng tới. Tuy nhiên, xuất khẩu đang phải đối mặt với thiếu nguyên liệu, giá cá ngừ nguyên liệu tăng cao, cước vận chuyển đường biển tăng…

Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng các doanh nghiệp vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.

Trong quý I/2022, Sao Ta ghi nhận lợi nhuận đạt đỉnh doanh thu thuần quý I trong 5 năm, đạt mức 1.327 tỷ đồng. Navico đạt đỉnh kép cả lợi nhuận sau thuế và doanh thu thuần của quý I trong 10 năm qua, lần lượt là 238 tỷ đồng và 1.219 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận mức lợi nhuận tăng trưởng vượt bậc, đạt 3.267 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Tin liên quan

Đọc tiếp