'Không có nền kinh tế tự chủ, nếu không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân đủ khoẻ'

Tư nhân VPE500
22:10 - 10/08/2022
Quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung.
Quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Bình quân trong giai đoạn 2016 - 2019, top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp cả nước nhưng chiếm tới 13,0% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Báo cáo “Đánh giá 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam - VPE500” được công bố ngày 10/8 đã đưa ra những nhận diện về vai trò và ảnh hưởng của các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong bức tranh tổng quan khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

Báo cáo được xây dựng bởi Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Konrad Adenauer-Stiftung (KAS) - CHLB Đức tại Việt Nam.

VPE500 là lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường

Theo báo cáo, năm 2019 Việt Nam có 668,5 ngàn doanh nghiệp. Trong đó doanh nghiệp tư nhân trong nước là 647,6 ngàn doanh nghiệp, chiếm 96,88% tổng số.

Khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15,12 triệu tỷ VND - tương đương 57% tổng doanh thu thuần, thu hút 9.075 ngàn lao động, chiếm 59,9% tổng lao động trong khu vực doanh nghiệp ở Việt Nam.

Nhờ quy mô và kết quả hoạt động vượt trội nên VPE500 chiếm tỷ lệ nhỏ về số lượng nhưng đóng góp lớn vào hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nước. Bình quân giai đoạn 2016 - 2019, VPE500 chỉ chiếm 0,089% tổng số doanh nghiệp nhưng tạo việc làm cho 10,4% lao động, chiếm 13,0% tổng tài sản và tạo ra 15,8% doanh thu thuần.

Đánh giá tại hội thảo công bố báo cáo này, TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia cho rằng, VPE500 được coi như lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường.

"Kết quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này có thể được coi như dụng cụ đo sức khỏe của khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam" TS Khôi nói.

Theo TS Khôi, khu vực kinh tế tư nhân nói chung đang ngày càng trở thành khu vực quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Năm 2018, khu vực này chiếm 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 40% GDP, 38% đóng góp ngân sách Nhà nước và tạo việc làm cho 80% lao động.

Ảnh tác giả

“Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 đã nêu rõ cần phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp. Trong đó, phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đại dịch Covid-19 đã tiếp tục cho thấy, vai trò và vị thế của khu vực kinh tế tư nhân là lực kéo, trụ cột của nền kinh tế”.

TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc NCIF

Trên thực tế, báo cáo cho thấy, nhóm VPE500 có hoạt động vượt trội so với doanh nghiệp tư nhân trong nước nói chung trên khía cạnh quy mô, kết quả kinh doanh bình quân cũng như tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu và liên kết doanh nghiệp.

Cụ thể, trung bình giai đoạn 2016 - 2019, quy mô lao động và tổng tài sản bình quân của một doanh nghiệp thuộc VPE500 cao gấp hơn 83 lần và hơn 132 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Đặc biệt, doanh thu thuần của top 500 doanh nghiệp này cũng cao gấp khoảng 123 lần với 58,0% doanh nghiệp có xuất khẩu, trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân còn lại chỉ chiếm 7,73%.

Đánh giá vai trò của top 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhất đối với nền kinh tế, ông Florian Constantin Feyerabend, Trưởng đại diện Viện KAS Việt Nam nhìn nhận, VPE500 đang đóng vai trò dẫn dắt thị trường, có ảnh hưởng đến nền kinh tế, giúp định hình kinh doanh và đóng góp quan trọng tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy, ‘sức khoẻ’ của top 500 doanh nghiệp này đóng góp quan trọng vào khu vực kinh tế tư nhân, cũng như tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.

Các diễn giả tham gia thảo luận tại hội thảo.

Cần các chính sách công bằng để đảm bảo “sức khỏe” cho doanh nghiệp tư nhân

Mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, nhưng báo cáo cho rằng, nhóm VPE500 của Việt Nam chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Khối doanh nghiệp tư nhân nói chung và VPE500 nói riêng đang gặp nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển. Trong đó, trở ngại chủ quan có thể kể đến là môi trường kinh doanh đâu đó còn có sự phân biệt, đối xử với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước; khó khăn khi tiếp cận hỗ trợ đất đai, vay vốn, thuế và hải quan; rủi ro khi thay đổi chính sách và pháp luật.

Đồng thời, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói chung cũng có những khó khăn chủ quan nhất định, như: Quy mô nhỏ, quản trị yếu kém, thiếu nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hạn chế và thương mại điện tử.

Trên cơ sở phân tích VPE500, nhóm nghiên cứu cho rằng cần thiết phải có những chính sách cụ thể hơn nữa để xây dựng được một lực lượng các doanh nghiệp tư nhân lớn, phát triển ổn định, chống chịu được các cú sốc lớn từ bên ngoài và làm tăng hiệu quả của toàn nền kinh tế.

Đưa ra ý kiến tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, không thể có nền kinh tế tự chủ nếu không có lực lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ khỏe.

Ảnh tác giả

“Nếu so sánh các doanh nghiệp lớn với nhau, phải so sánh với cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp Nhà nước để thấy sự vênh nhau. Trong cùng nền kinh tế mà 'không chơi' được với nhau, sẽ dẫn đến hậu quả xấu”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Theo bà Lan, để giải quyết vấn đề này cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó tập trung vào giảm chi phí gia nhập, cải cách hành chính công, cắt bỏ các thủ tục không cần thiết.

Đánh giá về môi trường kinh doanh hiện nay, bà Phạm Chi Lan chỉ ra, nếu nhìn vào văn bản pháp lý thì không có sự phân biệt đối xử, nhưng thực tế sự phân biệt đối xử vẫn nặng nề, nhất là trong phân bổ nguồn lực. Nguồn lực lớn đang ở trong tay doanh nghiệp Nhà nước, do có yếu tố lịch sử. Ngoài ra, doanh nghiệp FDI dường như dễ tiếp cận nguồn lực đất đai hơn doanh nghiệp Việt Nam.

“Nếu chỉ nhìn trên văn bản pháp quy sẽ không thấy được thực tế này. Nhưng thực tế, văn bản, thông tư nhiều gấp 5 - 6 lần số nghị định, gấp hàng chục lần luật. Tuy luật là văn bản pháp quy cao nhất, nhưng nhiều quy định lại cài cắm ở thông tư. Do đó, về tố chất cần thiết phải công khai, minh bạch, công bằng, tính nhất quán, tính khả thi của chính sách… Nhiều khi những quyết sách hay, chính sách tốt đưa ra trên văn bản lại bị rơi rụng trong thực thi'', bà Phạm Chi Lan nói.

Là một trong những doanh nghiệp nằm trong top VPE500, chia sẻ về những khó khăn trong quá trình kinh doanh, đại diện Công ty May Hồ Gươm cho biết, trong quá trình phát triển đầu tư trên các tỉnh thành của miền Bắc, công ty bị vướng mắc nhiều ở thủ tục vay vốn; chính sách, thủ tục hành chính không thống nhất.

"Mỗi địa phương có một thủ tục khác nhau, rườm rà, thời gian hoàn thiện thủ tục dài, chồng chéo. Nhiều chính sách trên thì 'rải thảm', dưới thì 'rải đinh'. Những điều này cần được sớm tháo gỡ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có được môi trường kinh doanh thông thoáng", vị đại diện này cho biết.

Báo cáo xác định danh sách VPE500 dựa trên 3 tiêu chí: quy mô lao động, tổng tài sản và doanh thu thuần. Chỉ số sử dụng cho xếp hạng là trung bình cộng của thứ hạng theo ba tiêu chí trên.

Số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2019 của Tổng cục Thống kê (điều tra năm 2020) được sử dụng để lập danh mục VPE500. Nhóm nghiên cứu không sử dụng số liệu của năm 2020 (điều tra năm 2021) do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 ở các mức độ và địa bàn khác nhau sẽ làm méo bức tranh ổn định của doanh nghiệp trong một thời gian dài trước đó.

Tin liên quan

Đọc tiếp