TP HCM khát vọng thành một trung tâm tài chính quốc tế

Tp hcm Việt nAM
20:23 - 30/04/2022
TP HCM khát vọng thành một trung tâm tài chính quốc tế
0:00 / 0:00
0:00
TP HCM luôn đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế xã hội trong những năm qua. Đặc biệt, thành phố lớn nhất cả nước này đang có những cơ hội lớn để hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành một trung tâm tài chính quốc tế từ năm 2026.

Trong thời kỳ đổi mới, TP HCM luôn là địa phương đi đầu về sáng tạo với nhiều mô hình mang tính tiên phong của cả nước, khẳng định tính hiệu quả trên cả lĩnh vực kinh tế và văn hóa - xã hội. Trên hành trình 47 năm xây dựng và phát triển vừa qua, Thành phố luôn nỗ lực giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế cả nước, dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,6% lao động toàn quốc.

Báo cáo chính trị của Đảng bộ TP HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng thể hiện giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố tăng bình quân 6,41%. Thành phố đóng góp 22,2% kinh tế quốc gia, thu ngân sách luôn chiếm tỉ trọng lớn nhất cả nước. Thành phố là địa phương có năng suất lao động cao nhất, bằng 2,6 lần cả nước. Ngoài ra, TP HCM còn là trung tâm công nghiệp và dịch vụ lớn nhất, chiếm 15% công nghiệp và 33% dịch vụ cả nước.

Trong bối cảnh và nền tảng đó, TP HCM đang có những cơ hội rất lớn để thực hiện hóa khát vọng xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế.

Báo cáo gần đây của Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP HCM (HFIC) về tiến độ xây dựng Đề án phát triển TP HCM thành trung tâm tài chính quốc tế nêu rõ định hướng phát triển trung tâm tài chính tại TP HCM gắn với tiến trình phát triển đô thị, có sự kết nối hoạt động tài chính tại khu đô thị hiện hữu (quận 1 và quận 3) với khu đô thị mới (Thủ Thiêm) song song với tiếp cận theo hướng không gian mềm.

Trong đó, cốt lõi là thị trường tiền tệ - ngân hàng, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh, các định chế tài chính và các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ trực tiếp và gián tiếp. Về lộ trình, giai đoạn 2021-2025 sẽ củng cố nền tảng vững chắc, chuẩn bị điều kiện cần thiết để TP HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế từ năm 2026. Về mô hình, trung tâm tài chính này dự kiến được xây dựng theo 3 cấu phần, gồm thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, thị trường vốn, thị trường hàng hóa phái sinh.

TP HCM đặt mục tiêu xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố được xếp hạng trong nhóm 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2030, theo đánh giá Chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu (GFCI) và thuộc nhóm 20 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới vào năm 2045.

Nhằm triển khai ngay lộ trình nói trên, một trong những chương trình hành động cụ thể được TP HCM khẩn trương thực hiện là phát triển công nghệ tài chính (Fintech), ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số trở thành mũi nhọn của trung tâm tài chính quốc tế.

Bởi lẽ, với tính chất phức tạp của các hoạt động tài chính, khi kết nối sâu, rộng với bên ngoài, nhất là trong xu hướng phát triển của các loại hình dịch vụ tài chính mới và sáng tạo, sẽ phát sinh rủi ro tiềm ẩn.

Theo PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - ĐHQG TP HCM, khoảng 10 năm trở lại đây, Fintech đang định hình lại sự phát triển và tương lai của ngành dịch vụ tài chính khi phá vỡ các dịch vụ, sản phẩm truyền thống. Fintech trở thành nền tảng hỗ trợ doanh nghiệp lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Đây sẽ là thách thức cho các trung tâm tài chính hiện hữu nhưng cũng là cơ hội cho những trung tâm non trẻ ra đời.

Vì vậy, thúc đẩy phát triển trung tâm công nghệ tài chính sẽ phục vụ cho kế hoạch phát triển trung tâm tài chính quốc tế ở TP HCM. Trong khi đó, theo Công ty Tư vấn Luật và Tài chính Shearman & Sterling, nếu có trung tâm tài chính, TP HCM sẽ quy tụ được nhiều định chế tài chính hàng đầu thế giới, góp phần phát triển thị trường tài chính lên tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đặc biệt, đây sẽ là kênh hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư công cho TP HCM và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Từ đây, sẽ tạo ra tác động lan tỏa đối với phát triển kinh tế TP HCM và cả nước, tạo hiệu ứng gia tăng sức hấp dẫn trong thu hút vốn đầu tư và phát triển hạ tầng, tạo các chuỗi cung ứng gắn với dịch vụ tài chính và các dịch vụ thương mại cao cấp khác. Nhưng theo các chuyên gia, để thu hút được nhà đầu tư chiến lược có uy tín, cần cơ chế chính sách ưu đãi đột phá, mang tính cạnh tranh quốc tế, vượt trội so với khung pháp lý hiện hành.

Đọc tiếp