TP HCM muốn có thêm vốn ngân sách trung ương cho 3 bệnh viện cửa ngõ

THỦ TƯỚNG Tp hcm
18:27 - 27/11/2022
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VGP
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
TP HCM đầu tư xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ 1.000 giường gồm Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, tuy nhiên không cân đối được vốn để bổ sung cho 3 dự án này.

Chiều 27/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi làm việc với TP HCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Báo cáo về kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân đạt 12.665,955/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước.

Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28.753,707/37.463,673 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Ngoài các giải pháp đã triển khai, Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu một số kiến nghị với Chính phủ nhằm hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, trong đó có việc xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho 3 dự án bệnh viện cửa ngõ của Thành phố.

Theo ông Mãi, Thành phố đã đầu tư xây dựng 3 bệnh viện cửa ngõ 1.000 giường gồm Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn và Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi bằng nguồn vốn ngân sách địa phương với tổng vốn đầu tư 5.664 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2025.

Thực hiện kết luận của Thủ tướng, TP HCM đã rà soát, điều chỉnh kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao từ các dự án chưa thực sự cấp thiết và bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp khác (tăng thu, tiết kiệm chi). Tuy nhiên, Thành phố không cân đối được vốn để bổ sung cho 3 dự án bệnh viện do cần phải ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án đang thực hiện.

Để sớm đưa các bệnh viện vào vận hành, TP HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương (nguồn vốn trong nước) giai đoạn 2021-2025 để đầu tư 3 dự án mua sắm trang thiết bị y tế chuyên môn của 3 bệnh viện trên, với tổng nhu cầu 4.500 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với TP HCM. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với TP HCM. Ảnh: VGP

Liên quan đến Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, Chủ tịch TP HCM cho biết đã triển khai 04/05 gói thầu xây lắp và thiết bị. Tổng khối lượng thực hiện của dự án đạt 92,89% (gói thầu số 1a đạt 97,78%; gói thầu số 1b đạt 99,73%; gói thầu số 2 đạt 96,59% và gói thầu số 3 đạt 84,29%; gói thầu số 4 "Hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty Vận hành" đang tổ chức lựa chọn nhà thầu).

Dự án dự kiến hoàn thành năm 2023 chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Vì vậy, ông Mãi kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư và các bộ, ngành liên quan quan tâm, hướng dẫn và hỗ trợ Thành phố hoàn tất thủ tục, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh thời gian thực hiện dự án.

Đối với Dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 Bến Thành-Tham Lương, theo ông Mãi, hiện tỷ lệ bàn giao mặt bằng đến nay đạt 85,45% (501/586 trường hợp). Trong đó, 4/6 quận đã hoàn thành giải phóng mặt bằng. Hiện còn lại 85 trường hợp trên địa bàn 2 quận (Quận 3, Tân Bình) chưa bàn giao mặt bằng. Dự kiến đến quý 2/2023, hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của dự án.

Đến nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế dự toán bồi thường và đang tiến hành đấu thầu xây lắp di dời công trình điện; dự kiến khởi công xây dựng cuối năm 2022, hoàn thành vào cuối năm 2024 để sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu chính (thi công đoạn đi ngầm, trên cao) vào năm 2025.

Người đứng đầu chính quyền TP HCM kiến nghị Chính phủ trao đổi với phía Đức tiếp tục có chỉ đạo các cơ quan hữu quan tái cam kết và thúc đẩy thu xếp tài chính thông qua việc gia hạn các khoản vay 1, 2 đã ký với Ngân hàng Tái thiết Đức đến năm 2030 và các khoản vay bổ sung như đã cam kết.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 trên địa bàn TP HCM, đến nay, TP HCM đã hoàn thành các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao trong các buổi họp Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia về lĩnh vực giao thông hằng tháng.

Ban Chỉ huy dự án đã tổ chức giao ban, đi thực địa hằng tuần trực tiếp đến các địa bàn để rà soát tiến độ và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; hiện đang hoàn tất các thủ tục để phê duyệt hai dự án thành phần (xây lắp và bồi thường) trước 30/11/2022; đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 30/6/2023 và cơ bản bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trước ngày 31/12/ 2023.

UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giao bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Thành phố (ngoài nguồn vốn 142.557 tỷ đồng đã giao) để bổ sung cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM trên địa bàn Thành phố là 19.449 tỷ đồng (theo đúng Nghị quyết số 57/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội).

Tin liên quan

Đọc tiếp