TP HCM trình dự thảo thay thế Nghị quyết 54 đề xuất nhiều cơ chế đặc thù mới

KINH TẾ Tp hcm
15:01 - 03/12/2022
TP HCM trình dự thảo thay thế Nghị quyết 54 đề xuất nhiều cơ chế đặc thù mới
0:00 / 0:00
0:00
UBND TP HCM vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội.

Theo UBND TP, sau 5 năm thực hiện nghị quyết 54, mục tiêu tăng thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương khá khiêm tốn. Thời gian qua, đà tăng trưởng, sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm mạnh, giai đoạn 1996-2010 tăng trưởng bình quân 10,2%/năm, cao hơn 1,6 lần mức bình quân cả nước; đến giai đoạn 2011-2025 giảm xuống còn 7,22%/năm; giai đoạn gần nhất 2016-2020 chỉ còn 6,41%/năm.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông, hạ tầng chưa có bước đột phá, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Có thể thấy rõ những điểm nghẽn ở cả sân bay Tân Sơn Nhất, các tuyến giao thông đường bộ, cảng Cát Lái...

Nhiều vấn đề cần phải được thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách mới, như: Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP HCM có một số bất cập; thành phố có nhu cầu rất lớn trong việc có hành lang cơ chế để thu hút nguồn lực tư nhân vào phát triển; một số chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trung ương, thành phố có khả năng, nguồn lực để thực hiện…

Thực tiễn nêu trên đòi hỏi cần thiết phải có một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54, tạo điều kiện cho TP HCM khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại. Đồng thời, kế thừa và tích hợp tất cả các cơ chế chính sách mà thành phố cần trung ương quan tâm hỗ trợ để phát triển tương xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế - xã hội của cả nước.

Theo đó, UBND TP HCM đã kiến nghị đưa vào dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết số 54 gồm 7 nhóm vấn đề. Một số nội dung đáng chú ý như:

Về quản lý đầu tư, hiện nay quy trình thủ tục đầu tư, cơ chế giao đất, cho thuê đất, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư đối với các dự án chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ rất đặc thù về quỹ đất, vướng rất nhiều quy định và đang là "điểm nghẽn" trong thu hút vốn đầu tư; thu hút PPP trong lĩnh vực văn hóa - thể thao.

Nếu được tháo gỡ sẽ huy động thêm được nguồn lực và tăng khả năng hấp thụ vốn đầu tư tư nhân, giúp cho thành phố phát triển.

Về tài chính ngân sách, cơ bản giữ lại các nội dung của nghị quyết 54, ngoài quy định về thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường vì không khả thi.

Bổ sung quyết định thu thuế bổ sung đối với bất động sản thứ hai trở lên, trừ bất động sản duy nhất.

Bên cạnh đó, hiện thành phố được hưởng ngân sách theo tỉ lệ điều tiết là 21%. Đề nghị giữ nguyên tỷ lệ này đến hết năm 2025.

TP HCM được thí điểm cơ chế bồi thường bằng đất theo tỉ lệ khi giải phóng mặt bằng. Cho phép thành phố được thí điểm tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án đầu tư công độc lập đối với các dự án nhóm B…

Về quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, phân cấp cho TP HCM phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị với điều kiện không làm thay đổi quan điểm và định hướng quy hoạch tổng thể.

Phân cấp cho thành phố được quyết định các nội dung liên quan đến xây dựng nhà ở thương mại; nhà ở xã hội, nhà tái định cư, xử lý chung cư cũ, nhà ở trên, ven kênh rạch... hiện đang gặp vướng về quy định.

Phân cấp hoàn toàn cho TP HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất tính tiền sử dụng đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. TP HCM được thí điểm bồi thường "bằng đất theo tỷ lệ" khi giải phóng mặt bằng.

Về quản lý văn hóa xã hội và quản lý trật tự xã hội, phân cấp cho TP quy định các điều kiện thành lập, xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao trong các dự án phát triển đô thị.

Mở rộng thẩm quyền "lập quy" của HĐND TP HCM trong lĩnh vực xử phạt các loại vi phạm hành chính về đô thị chưa có quy định hoặc quy định chưa đủ sức răn đe…

Về tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tiếp tục thực hiện quy định về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức tại nghị quyết 54.

Đồng thời, bổ sung phân cấp cho HĐND TP HCM quyết định cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn…

Về TP Thủ Đức, UBND cho biết hiện nay TP Thủ Đức cơ bản như đơn vị hành chính cấp quận. Theo đó, kiến nghị cho phép HĐND, UBND TP HCM phân cấp cho chính quyền TP Thủ Đức những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền ở số lĩnh vực quản lý Nhà nước. Chuyển giao một số nhiệm vụ thuộc sở ngành TP HCM cho TP Thủ Đức.

Cho phép HĐND quyết định bộ máy hành chính và các đơn vị sự nghiệp của TP Thủ Đức. Ưu tiên phân bổ ngân sách cho TP Thủ Đức để chi đầu tư phát triển.

TP HCM cũng kiến nghị bổ sung các quy định chưa có để xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP HCM.

Đọc tiếp