TP HCM yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp trong tháng 3

KINH TẾ Tp hcm
17:10 - 03/03/2023
TP HCM yêu cầu xử lý dứt điểm vướng mắc của doanh nghiệp trong tháng 3
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết sẽ cùng các sở, ngành tập trung giải quyết các vướng mắc doanh nghiệp nêu từ các cuộc gặp gỡ trong tháng 2, tiếp tục gỡ khó cho các dự án bất động sản để tạo lan tỏa cho nền kinh tế.

Tại phiên họp về tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP HCM 2 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 3 diễn ra vào sáng 3/3, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết trong tuần này TP HCM sẽ có danh sách tổng hợp những khó khăn, vướng mắc từ các cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp thời gian qua. Ông yêu cầu các sở ngành tập trung giải quyết dứt điểm cho doanh nghiệp trong tháng 3, những việc cần thời gian kéo dài phải chỉ ra cách giải quyết.

Đặc biệt, ông đề nghị Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường phối hợp cùng Tổ công tác tháo gỡ khó khăn về bất động sản của Chính phủ tập trung rà soát và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản điều này sẽ tác động trực tiếp và lan tỏa rất lớn đến nền kinh tế.

"Chúng ta phải có hành động quyết liệt kịp thời, làm ngày làm đêm để tạo ra sự thống nhất, như vậy mới tạo niềm tin và tác động đến thị trường", Chủ tịch UBND TP HCM nêu.

Báo cáo tại phiên họp, đại diện Sở Xây dựng thành phố cho biết tính đến cuối tháng 2, trong số 7 dự án vướng mắc thì có 4 dự án đã được giải quyết. Với 3 dự án còn lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương, Sở sẽ tiếp tục kiến nghị tham mưu lên Chính phủ.

Để giải quyết những khó khăn hiện nay, đại diện Sở Xây dựng cho rằng cần có sự phối hợp chung giữa các sở ngành và đề xuất thời gian cụ thể. Đồng thời, mỗi dự án cần có hướng giải quyết cụ thể, tránh đưa nội dung chung chung.

Góp ý về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị trong công tác điều hành, UBND TP HCM giao các Sở công bố tất cả dự án đang chậm trễ thủ tục, nguyên nhân chậm trễ nhằm tạo sự công khai, minh bạch, tạo niềm tin của người dân, doanh nghiệp và thể hiện kỷ luật công vụ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cho rằng TP nên đẩy mạnh thêm nhiều chương trình kết nối ngân hàng với các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp.

Cần chi ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai thông tin, trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 12,7%; doanh thu du lịch tăng 115,8% so với cùng kỳ. Khách du lịch quốc tế đến thành phố đạt hơn 319.000 lượt, tăng 100% so với cùng kỳ, số doanh nhiệp thành lập mới tăng 13,1%.

Tổng thu ngân sách 2 tháng đầu năm ước đạt hơn 93.000 tỷ đồng, đạt 19,83% dự toán năm và tăng 5,95% so cùng kỳ. Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,1% so với cùng kỳ. Thành phố thu hút được khoảng 369,1 triệu USD, tăng 59% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 5,95%; kim ngạch xuất khẩu tăng 3% so với cùng kỳ.

Mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên nhưng so với cùng kỳ lại giảm. Số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng 20,1% so với cùng kỳ. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Nợ xấu nhiều ngân hàng tăng mạnh trong năm 2022...

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP HCM cho biết chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn âm. Trong thương mại dịch vụ có tăng trưởng nhưng vẫn rất chậm vì tốc độ phục hồi du lịch và hoạt động vui chơi giải trí chưa như kỳ vọng, bất động sản giảm sâu 13%. Sản xuất khó khăn sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng...

Đưa ra giải pháp, ông Hoàng đề xuất đầu tiên là phải tập trung cho các doanh nghiệp. Nếu như trước đây đặt ra vấn đề thu đúng và thu đủ, thì trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Nhà nước cần chi ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng, tạo nguồn thu cho Nhà nước. Việc này cũng được các nước áp dụng trong thời điểm khó khăn.

Tin liên quan

Đọc tiếp