Trả cổ tức bằng tiền mặt tới 90%, Sữa Quốc Tế đang làm ăn ra sao

IDP Sữa Quốc Tế
10:38 - 20/05/2022
Sữa Quốc Tế phát triển tích cực sau cuộc chuyển giao chủ sở hữu năm 2020.
Sữa Quốc Tế phát triển tích cực sau cuộc chuyển giao chủ sở hữu năm 2020.
0:00 / 0:00
0:00
CTCP Sữa Quốc Tế (mã chứng khoán IDP) vừa công bố thông tin chi trả cổ tức đợt 2 năm 2021 với tỷ lệ 40% bằng tiền. Trước đó, doanh nghiệp cũng đã tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 1 với tỷ lệ là 50%. Tổng mức cổ tức chi trả cho năm 2021 là 90%.

Theo thông báo, ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức của IDP lần này là ngày 25/5, tức ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 14/5. Thời gian thực hiện thanh toán là ngày 6/6. Với hơn 58,9 triệu cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường, doanh nghiệp sẽ phải chi ra khoảng 235,6 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho đợt này.

Với tỷ lệ 90% cho cả năm 2021, Sữa Quốc Tế là một trong những doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt cao nhất trên sàn. Cao hơn có CTCP Vinacafé Biên Hòa (mã VCF) với tỷ lệ 250%, tương đương 25.000 đồng/cổ phiếu; Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (SeaProdex, mã SEA) với tỷ lệ 95%; tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 9.500 đồng.

Việc IDP trả cổ tức cao bằng tiền mặt diễn ra trong bối cảnh công ty đạt kết quả kinh doanh khởi sắc. Năm 2021, bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu sản phẩm sữa giảm, Sữa Quốc Tế vẫn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Doanh thu tăng 26% lên 4.827 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 64% lên 823 tỷ đồng.

Năm 2022, doanh nghiệp sữa đề ra mục tiêu doanh thu tăng 14% lên 5.500 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 45% về 452 tỷ đồng. Mức kế hoạch lợi nhuận này thậm chí còn thấp hơn kế hoạch 2021 và thực hiện 2020. Tuy nhiên chỉ riêng trong quý I/2022, IDP đã đạt được 47,8% kế hoạch lợi nhuận đề ra với doanh thu 1.409,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 236 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.

"Hồi sinh" sau đổi chủ

Điều đáng chú ý là kết quả kinh doanh của IDP đảo chiều ngoạn mục từ năm 2020 đến nay, sau cuộc chuyển giao chủ sở hữu. Trước đó, công ty có nhiều năm thua lỗ, nặng nhất là âm 298 tỷ đồng năm 2017. Những thay đổi lớn nhất trong năm 2020 là việc hai quỹ đầu tư thuộc VinaCapital và Daiwa bán hết vốn, các cổ đông mới là Blue Point và Lothamilk.

Những cổ đông lớn nhất khi đó gồm CTCP Chứng khoán Bản Việt (15% vốn điều lệ), CTCP Lothamilk (10,18%) và CTCP Blue Point (60,56%), bà Đặng Phạm Minh Loan - Phó Tổng Giám đốc điều hành của Vina Capital (5%) và ông Phan Văn Thắng (3,75%). Đến quý 1/2021, CTCP Lothamilk lại thoái toàn bộ cổ phần và bên mua vào là CTCP Gold Field International.

Một sự thay đổi lớn khác trong phi vụ đổi chủ năm 2020 đó là việc thay đổi ban lãnh đạo công ty. Ông Trần Bảo Minh từ chức, thay vào vị trí này là ông Tô Hải - Tổng giám đốc Chứng khoán Bảo Việt. Bà Phạm Minh Loan đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc IDP. Bên cạnh đó, tham gia ban lãnh đạo IDP còn có sự góp mặt của những nhân sự giàu kinh nghiệm trong ngành sữa như Tổng Giám đốc Lothamilk Hồ Sĩ Tuấn Phát (Thành viên HĐQT), bà Chu Hải Yến – Thành viên HĐQT Lothamilk (Phó Tổng Giám đốc).

Hiện nay Sữa Quốc Tế đang cung cấp trên thị trường các sản phẩm mang thương hiệu LIF (LOVE’IN FARM) gồm sữa tươi, sữa chua có đường, sữa bắp non,, sữa chua chanh dây và sữa chua men sống. Tuy quy mô vẫn còn khá nhỏ so với các ông lớn trong ngành sữa nhưng kết quả kinh doanh đảo chiều của IDP trong 2 năm qua đã khiến giới đầu tư chú ý. Đặc biệt là biên lợi nhuận của IDP trong những quý gần đây liên tục vượt qua công ty lớn nhất trong ngành là Vinamilk, đạt tỷ lệ 40-50%.

Tại thời điểm cuối quý 1/2022, tổng tài sản của IDP đạt 3.240 tỷ đồng, tăng gần 300 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả là 1.682 tỷ đồng, tăng 37 tỷ đồng; trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm 729 tỷ đồng. Doanh nghiệp không có khoản phải trả dài hạn nào.

Hồi đầu năm nay, công ty phê duyệt đầu tư dự án tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, xã Long Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của dự án là chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Tổng vốn đầu tư là 2.800 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Sữa Quốc Tế là 300 tỷ đồng, vốn vay là 2.500 tỷ đồng.

Sữa Quốc Tế thành lập nhà máy đầu tiên tại Chương Mỹ, Hà Nội vào năm 2004, thành lập nhà máy thứ hai tại Ba Vì, Hà Nội vào năm 2010. Ngoài ra, công ty còn có một nhà máy ở khu vực phía Nam, cụ thể là tại Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi (TP HCM).

Đầu tháng 1/2021, Sữa Quốc Tế đưa cổ phiếu IDP lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 50.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với định giá gần 3.000 tỷ đồng. Sau 1 năm, cổ phiếu này đã vươn lên mức 155.000 đồng/cổ phiếu, tức gấp hơn ba lần giá trị vốn hóa. Thời gian qua, dù thị trường biến động nhưng IDP vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, hiện giao dịch ở mức giá 154.000 đồng/cp.

Đọc tiếp

Doanh nhân Đào Hữu Huyền - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hóa chất Đức Giang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong

ĐHĐCĐ Đức Giang: Sáp nhập PAT

Nghiên cứu sáp nhập PAT là một trong các định hướng đầu tư quan trọng của Hóa chất Đức Giang trong năm 2024, bên cạnh xúc tiến xin giấy phép dự án Alumin hay khởi công tổ hợp xút Nghi Sơn giai đoạn 1.
ĐCĐCĐ Gelex. Ảnh: Minh Phong - MekongASEAN

ĐHĐCĐ Gelex: Mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) được tổ chức ngày 28/3 tại Khách sạn Melia Hanoi, Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo. Đại hội có sự tham dự của 54,05% vốn điều lệ công ty.