Trái phiếu chính phủ phát hành 8 tháng đầu năm đạt gần 100.000 tỷ đồng

TÀI CHÍNH Việt nAM
10:48 - 01/09/2022
Trái phiếu chính phủ phát hành 8 tháng đầu năm đạt gần 100.000 tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Tài chính, 8 tháng đầu năm 2022, vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ đạt 116.459 tỷ đồng. Trong đó, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ phát hành là 99.582 tỷ đồng, tương đương 24,9% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao.

Theo thông tin từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính, trong tháng 8/2022 (đến ngày 29/8/2022), Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, huy động được 21.160 tỷ đồng (trong đó phát hành cho Bảo hiểm xã hội là 20.920 tỷ đồng).

Lũy kế 8 tháng, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) phát hành là 99.582 tỷ đồng, tương đương 24,9% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao (400.000 tỷ đồng), trong đó toàn bộ TPCP được phát hành theo phương thức đầu thầu và có kỳ hạn từ 10 năm trở lên.

Cũng theo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, trong tháng 8/2022, Chính phủ không thực hiện ký kết hiệp định vay. Lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Chính phủ ký kết được 2 hiệp định vay nước ngoài, với tổng trị giá 184,6 triệu USD.

Về rút vốn, trong tháng 8 đã thực hiện rút vốn vay nước ngoài của Chính phủ khoảng 35,6 triệu USD (tương đương 820 tỷ đồng). Lũy kế từ đầu năm đến 29/8/2022, rút vốn khoảng 733,2 triệu USD (tương đương khoảng 16.877 tỷ đồng), trong đó cấp phát khoảng 473,5 triệu USD (10.899 tỷ đồng), cho vay lại khoảng 259,7 triệu USD (5.978 tỷ đồng).

Lũy kế 8 đầu tháng đầu năm 2022, rút vốn vay nước ngoài thấp hơn cùng kỳ năm 2021 là 111,8 triệu USD (tương đương 2.642 tỷ đồng), trong đó cấp phát thấp hơn khoảng 85,5 triệu USD và cho vay lại thấp hơn khoảng 26,3 triệu USD.

Tổng hợp 8 tháng đầu năm 2022, vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ đạt 116.459 tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách trung ương khoảng 110.481 tỷ đồng, vay về cho vay lại 5.978 tỷ đồng.

Đảm bảo an toàn nợ công bền vững

Theo Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022, Chính phủ phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, phấn đấu bội chi ngân sách Nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP…

Đây là một trong 8 chiến lược nhánh trong tổng thể hệ thống chiến lược ngành Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị phổ biến Chiến lược nợ công đến năm 2030 hồi tháng 6, bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam đánh giá cao Bộ Tài chính đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030. Theo bà Carolyn Turk, Chiến lược nợ công đến năm 2030 là một chương trình rất tham vọng liên quan đến cả chính sách tài khóa cũng như quản lý nợ, trong đó xác định ra khung tài khóa tổng thể thông qua các hạn mức nợ và ngân sách, đồng thời hướng dẫn và định hướng cho các hoạt động chi tiêu vay nợ của Chính phủ.

Trong khi đó, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách công tác quản lý nợ công mới đây, các chuyên gia quốc tế cho rằng, đối với Việt Nam, hiện nay chính sách quản lý nợ công gắn với chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tuy nhiên, chính sách quản lý nợ công mới chủ yếu tập trung vào huy động các nguồn vay ưu đãi, còn nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế chưa thực hiện đầy đủ như: giám sát và đánh giá tất cả các khoản vay và giao dịch nợ để đảm bảo phù hợp với các thông số rủi ro đề ra trong chiến lược nợ; giám sát rủi ro toàn bộ danh mục nợ chính phủ, kết nối giữa chính sách quản lý ngân quỹ và quản lý nợ công, cơ sở dữ liệu chia sẻ chung về nợ công.

Do đó, danh mục nợ sẽ phát sinh thêm nhiều loại rủi ro, đòi hỏi có sự quản lý đồng bộ, thống nhất, chuyên nghiệp hóa để tăng cường hiệu quả hoạch định chính sách và đạt được cơ cấu chi phí - rủi ro nợ công phù hợp với mục tiêu quản lý đặt ra.

Việc nghiên cứu thiết lập cơ quan quản lý nợ công (DMO) với đầy đủ chức năng theo thông lệ quốc tế phù hợp với trình độ phát triển nhu cầu quản lý của Việt Nam trong từng giai đoạn là cần thiết.

Song, cũng theo các chuyên gia, thiết lập DMO mới chỉ là bước khởi đầu, có nhiều mối quan hệ với bên ngoài cần được quản lý như: trách nhiệm giải trình với các cơ quan quản lý, truyền thông, công chúng; và nhiều chính sách cần được giải quyết và phối hợp như: chính sách tài khóa, tiền tệ, kiểm toán...Theo đó, suy cho cùng, chiến lược quản lý nợ cần nhất quán với các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Nợ công của Việt Nam đang giảm mạnh, xuống còn 43,1% GDP

Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm trong 6 năm qua, từ mức 62,2% năm 2016 về 43,1% GDP năm 2021. Với quy mô GDP năm 2021 là 368 tỷ USD, mức nợ công của Việt Nam năm 2021 tương đương 157 tỷ USD. Nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng đang giảm.

Cụ thể, nợ Chính phủ giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021, tương đương gần 144 tỷ USD. Nợ Chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 xuống còn 3,8% GDP năm 2021, tức gần 14 tỷ USD. Nợ chính quyền địa phương giảm từ 1,1% GDP năm 2017 xuống còn 0,6% năm 2021. Còn nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 49% GDP năm 2017 xuống còn 38,4% năm 2021.

Về cơ cấu nợ, nợ vay trong nước lại tăng đáng kể, chiếm 67,2% dư nợ Chính phủ, tương đương 2,2 triệu tỷ đồng đến hết 2021, còn nợ nước ngoài có xu hướng giảm dần.

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của LPB. Ảnh minh họa: Minh Phong - MekongASEAN

Cổ phiếu LPB đạt đỉnh lịch sử

Thị trường chứng khoán vừa chứng kiến thêm một phiên giảm điểm mạnh. Chốt phiên 17/4, chỉ số VN-Index giảm gần 23 điểm về còn 1.193 điểm, lần đầu mất mốc 1.200 điểm kể từ đầu tháng 2/2024.
Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.