Tranh luận xung quanh đề xuất thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia

Y Tế QUỐC HỘI
16:25 - 24/10/2022
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung liên quan đến Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Tham gia phát biểu thảo luận về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa quốc gia, Đại biểu Nguyễn Văn An - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, trong dự án Luật còn có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện.

Đại biểu An cho rằng, cần cân nhắc kỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo tính khả thi hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.

Trong khi đó, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam đề nghị cần làm rõ mô hình của Hội đồng Y khoa quốc gia trực thuộc cơ quan nào.

Tương tự, Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần quy định chi tiết về vị trí pháp lý chức năng nhiệm vụ quyền hạn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng y khoa Quốc gia.

Khoản 1 điều 24 của dự thảo luật quy định hội đồng là tổ chức độc lập, có con dấu riêng, trụ sở riêng. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn băn khoăn khi thành lập hội đồng này thì đầu mối quản lý là Bộ Y tế hay Chính phủ như các bộ, ngành và tương đương hay không. Cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý Nhà nước với Hội đồng Y khoa Quốc gia.

Ảnh tác giả

Vì vậy, trong giai đoạn thí điểm theo Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương, tôi đề xuất Hội đồng Y khoa Quốc gia nên giao cho Bộ Y tế thành lập để phù hợp với nhiệm vụ khoản 2 điều này, phù hợp công tác quản lý Nhà nước và chuyên môn Bộ y tế. Biên chế do Bộ Y tế sử dụng từ các chuyên gia bác sỹ giỏi hiện có của ngành và đồng thời không phát sinh đầu mối và biên chế.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Trong khi đó, đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhìn nhận, về nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia, nếu chỉ để Hội đồng này tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ dẫn đến việc sự tập trung một chỗ gây ùn ứ, chậm có kết quả sẽ dẫn đến ảnh hưởng hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người hành nghề.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng, dự thảo luật này còn nhiều nội dung tiếp tục phải hoàn chỉnh. Với mong muốn có bộ luật tốt, ban hành được ngay nhưng chất lượng vẫn phải đặt hàng đầu.

Ảnh tác giả

Vẫn nên cân nhắc nghiên cứu rà soát kỹ các nội dung chuẩn bị chu đáo đến kỳ họp sau mới thông qua dự án luật này. Đặc biệt là vấn đề thành lập Hội đồng Y khoa Quốc gia, hoạt động sao cho hiệu quả, ngăn được cơ chế xin cho, không minh bạch trong đánh giá, cấp phép bác sỹ, bệnh viện.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai.

Phát biểu giải trình sau đó, về thiết chế của Hội đồng Y khoa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.

Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia là đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề được nhiều nước áp dụng thực hiện như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc...Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tổ chức hệ thống và công tác quản lý, đồng thời kế thừa Luật khám chữa bệnh hiện hành, dự thảo Luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu giải trình.

Việc quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Theo Bộ trưởng, trên thực tế mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, vì vậy đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình được xác định trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và do Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

Đọc tiếp