Triển vọng ngành dệt may phụ thuộc vào lạm phát tại các thị trường lớn

Dệt May Việt nAM
17:37 - 22/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo VNDirect, triển vọng ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc vào kiểm soát lạm phát tại thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ và EU. Trong đó, nhu cầu của các mặt hàng quần áo làm từ sợi tái chế và sợi bông sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Theo báo cáo cập nhật về ngành dệt may, Chứng khoán VNDirect nhận định, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp dệt may giảm 0,3 điểm % do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Dựa trên ước tính của VNDirect, tổng doanh thu quý II của các công ty dệt may niêm yết tăng 22,4% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu mạnh mẽ từ thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU. Trong đó, Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách. Người Mỹ đã quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi.

Ngoài ra, chi phí tài chính của các công ty dệt may tăng 109,3% so với cùng kỳ do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và các khoản vay bằng USD. Kết quả, lợi nhuận ròng toàn ngành tăng 19,5% so với cùng kỳ tại quý II/2022.

Doanh nghiệp sản xuất sợi bông có lợi nhuận ròng tăng trưởng mạnh

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của các công ty dệt may niêm yết tăng 28,3% so với cùng kỳ 2021, trong khi lợi nhuận ròng tại các công ty cũng tăng 38,7% so với cùng kỳ.

Theo đó, các công ty ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất bao gồm: Dệt may Hoà Thọ (mã HTG) tăng 224,3% so với cùng kỳ, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Mã: VGT) tăng 43,1% so với cùng kỳ và Dệt may Thành Công (Mã: TNG) tăng 50,0% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhà sản xuất sợi bông đã ghi nhận kết quả ấn tượng nhờ tồn kho bông giá thấp trong quý I/2022 và nhu cầu cao với sản phẩm bông.

Theo VNDirect, dệt may TNG là một trong số ít doanh nghiệp may mặc có kết quả kinh doanh ấn tượng trong cả quý II/2022 và 6 tháng đầu năm 2022. Doanh thu và lợi nhuận ròng của TNG đều tăng cao do nhu cầu cao hơn từ khách hàng chính như Decathlon và Haddad và cải thiện công nghệ sản xuất và bán hàng.

Ở chiều ngược lại, May Sông Hồng (mã: MSH) và CTCP Damsan (mã: ADS) là hai doanh nghiệp duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng âm. Trong đó, lợi nhuận ròng tại MSH đạt 187 tỷ đồng ( giảm 13,4% so với cùng kỳ), nguyên nhân do chi phí nguyên liệu đầu vào và logistic cao cộng với việc thiếu lao động tại nhà máy SH10.

Trong khi lợi nhuận ròng của ADS trong nửa đầu năm cũng giảm nhẹ 4,4% so với cùng kỳ do thị trường xuất khẩu chính (Trung Quốc) bị đóng cửa do Covid-19 trong quý II/2022.

Đối với các công ty sản xuất sợi polyester, VNDirect cũng nhận thấy biên lợi nhuận gộp chịu ảnh hưởng do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Các công ty lớn như Gilimex (Mã: GIL), Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) và May10 (Mã: M10) ghi nhận giảm lần lượt 2,1 điểm %, 1,0 điểm % và 2,2 điểm do giá chip PET và sợi polyester tăng cao. Trong khi biên lợi nhuận gộp của May Sông Hồng giảm 6,1 điểm % do chi phí khấu hao cao tại nhà máy SH10.

Ngược lại, biên lợi nhuận gộp của Tổng CTCP Phong Phú (Mã: PPH) ghi nhận tăng 2,9 điểm %, Dệt may Hoà Thọ (Mã: HTG) tăng 1,8 điểm % và Tổng CT May Nhà Bè (Mã: MNB) tăng 2,8 điểm % nhờ dự trữ nguyên liệu đầu vào giá thấp.

Nhiều thách thức kéo đến trong 6 tháng cuối năm

Về triển vọng ngành dệt may trong giai đoạn cuối năm, VNDirect cho biết, lạm phát cao có thể ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm thời trang ở Mỹ - một trong những quốc gia nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất của Việt Nam.

Theo VNDirect, Mỹ đã cho thấy nhu cầu bị dồn nén mạnh mẽ sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách với việc quay trở lại văn phòng, kéo theo sự phục hồi về nhu cầu đối với các sản phẩm văn phòng như vest, áo sơ mi. Do đó, giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ trong 6 tháng đầu năm đã tăng 30,9% so với cùng kỳ, đạt 66,3 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhu cầu dệt may tại Mỹ có thể hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2022 do lạm phát cao, chứng khoán VNDirect nhận định. Lạm phát tiêu dùng của Mỹ đã tăng nhanh lên 9,1% trong tháng 6, một mức chưa từng thấy trong hơn 4 thập kỷ qua.

Do đó các chuyên gia cho rằng nhu cầu của các mặt hàng quần áo cao cấp như áo sơ mi và áo phông làm từ sợi tái chế và sợi bông (giá cao hơn) sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022.

Theo ban lãnh đạo các công ty may mặc, khách hàng Mỹ đã rút ngắn thời gian đặt hàng trước từ 6 tháng xuống còn 3 tháng do lượng hàng tồn kho cao và áp lực lạm phát. Các doanh nghiệp lớn như TCM, STK, ADS có đủ đơn đặt hàng cho quý III/2022 nhưng lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 đã chậm lại do lo ngại về lạm phát.

Về giá nguyên liệu đầu vào, VNDirect thấy rằng giá hạt PET và giá bông đã giảm lần lượt 15,9% và 40,3% so với mức đỉnh vào tháng 3 sau khi giá dầu đã hạ nhiệt. Trong quý IV/2022, các chuyên gia cho rằng cả giá sợi và vải đều sẽ hạ nhiệt, theo sau giá các nguyên liệu khác.

Qua đó, VNDirect dự báo biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sợi bông giảm 1,0-1,5 điểm % trong nửa cuối 2022 do giá bông giảm dần trong 6 tháng cuối năm 2022 trước khi đi ngang vào năm 2023.

Trong khi đó, các chuyên gia cũng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc như TCM, GIL, MSH sẽ được cải thiện trong năm 2023 do giá nguyên liệu đầu vào giảm và nhu cầu phục hồi đối với các sản phẩm cao cấp.

Hiện nay các công ty dệt may đang bước vào một chu kỳ đầu tư mới, trong đó, các doanh nghiệp dệt may đang mở rộng năng lực sản xuất tại thị trường Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ phục hồi trong quý quý II/2023.

"Các doanh nghiệp dệt may đã xây dựng và mở rộng nhà máy lên 15-30% công suất hiện tại. Chúng tôi kỳ vọng trong năm 2023 có thể ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của các doanh nghiệp lớn như STK, MSH, HSM khi các nhà máy mới hoàn thành và đi vào hoạt động ở mức 80-85% công suất," chuyên gia VNDirect kỳ vọng.

Trong đó, STK và MSH được kỳ vọng sẽ ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023 khi dự án Unitex hoàn thành và chạy thương mại vào quý IV/2022 trong khi nhà máy SH10 dự kiến chạy với 80% công suất vào năm 2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.