Trung Quốc cắt giảm 1.500 tỷ USD thuế để thúc đẩy tăng trưởng

Giảm thuế TRUNG QUỐC
07:45 - 24/03/2022
Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP
0:00 / 0:00
0:00
Trong tháng 3/2022, Trung Quốc công bố thêm một gói cắt giảm thuế trị giá 393,3 tỷ USD, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp chính phủ nước này thực hiện một động thái như vậy. Nếu tính tổng tất cả các khoản cắt giảm thuế, con số này đã lên tới hơn 1.500 tỷ USD.

Trong năm 2021, doanh thu từ thuế của Trung Quốc chỉ rơi vào mức 21% GDP, thấp hơn nhiều so với con số trung bình 34% của các thành viên khác thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Thuế tiêu dùng và thuế lợi nhuận doanh nghiệp tạo ra phần thu nhập chính của chính phủ, trong khi thuế thu nhập cá nhân chỉ chiếm một phần nhỏ.

Cắt giảm thuế để tăng doanh thu thuế

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc từ lâu đã dựa vào việc giảm thuế doanh nghiệp có chọn lọc để đạt được các mục tiêu chiến lược dài hạn. Một ví dụ có thể kể đến là nhằm mục tiêu tăng cường chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển và đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên bao gồm bộ vi xử lý, năng lượng tái tạo và xe điện.

Ông Jiao Ruijin, một thành viên của Viện Thuế Trung Quốc cho biết trên Bloomberg: “Các chính sách thuế ưu đãi là cần thiết để tạo nên các cải cách từ phía cung ứng nhằm thúc đẩy phát triển chất lượng cao và giảm gánh nặng đầu tư của các doanh nghiệp. Điều này, ngược lại, chắc chắn sẽ mang lại tăng trưởng kinh tế".

Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng đã áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm thuế một cách chiến thuật hơn để hỗ trợ tăng trưởng, ví dụ như giảm thuế nhắm vào các nhà sản xuất nhỏ đang chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Mức cắt giảm đạt kỷ lục vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng vào nhà hàng và du lịch. Nỗ lực cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) cùng các khoản đóng góp của người sử dụng lao động cho chăm sóc y tế, bảo hiểm thất nghiệp và lương hưu đã khiến tỷ lệ thu nhập thuế trên GDP giảm gần 2 điểm phần trăm kể từ năm 2018.

Theo ông Yinle Liang, giám đốc chuỗi cung ứng tại KPMG Trung Quốc, việc cắt giảm thuế và giảm chi phí đã thực sự giúp ích và thậm chí cứu một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Hơn nữa, do số công ty phá sản ngày càng ít nên tỷ lệ thất nghiệp được hạn chế.

Do đó trong cuộc họp báo bế mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thường niên ngày 11/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng gọi việc cắt giảm thuế là cách tốt nhất để thúc đẩy tăng trưởng. Ông ví chúng như “phân bón trực tiếp vào gốc rễ” của nền kinh tế. Đồng thời, ông bổ sung rằng tuy cắt giảm thuế trông giống như một sự sụt giảm, trên thực tế nó lại là một khoản bổ sung. Tư duy này có liên quan tới khái niệm cốt lõi về cung rằng việc cắt giảm thuế có thể dẫn đến tăng doanh thu thuế nói chung.

Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nhận định các biện pháp từ phía cung là một cách hiệu quả để tăng trưởng kinh tế trong tình huống các doanh nghiệp bị hạn chế bởi tiết kiệm thấp và mức chi phí cao.

Nhưng theo ông, vấn đề chính đối với những doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc chủ yếu là từ phía cầu. Do đó, ông đề xuất chính phủ Trung Quốc tập trung vào các cách trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy nhu cầu, bao gồm việc phê duyệt mức lương cao hơn và chuyển giao xã hội nhiều hơn”.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Xinhua

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ảnh: Xinhua

Tranh cãi về việc cắt giảm thuế

Tuy nhiên cũng giống như gói cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017, gói cắt giảm thuế này của chính phủ Trung Quốc cũng đang gây ra nhiều luồng tranh cãi. Trong đó, những người ủng hộ kinh tế học trọng cung tin rằng việc cho phép các doanh nghiệp giữ một phần lợi nhuận lớn hơn cho phép họ tăng cường đầu tư và mở rộng sản xuất. Lợi ích sẽ được chuyển sang người lao động và người tiêu dùng dưới hình thức tăng tuyển dụng và giảm giá.

Ngược lại, có nhiều nhà kinh tế cho rằng việc cắt giảm thuế sẽ thúc đẩy các khoản nợ không bền vững và thường dẫn đến các khoản đầu tư lãng phí. Các chuyên gia này nhận định rằng hỗ trợ tài chính sẽ dành cho các hộ gia đình nhiều hơn là các doanh nghiệp. Do đó, việc lựa chọn quan điểm đúng sẽ rất quan trọng do nó giúp xác định triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ở một diễn biến khác, Goldman Sachs dự báo rằng thâm hụt tài khóa của Trung Quốc, thước đo về chênh lệch giữa chi tiêu nhà nước và thu nhập, sẽ tăng lên mức 13,1% GDP trong năm nay. Con số này cũng đồng nghĩa với mức tăng so với ngưỡng 10% của năm 2018. Một số nhà kinh tế cho rằng thâm hụt của chính phủ gia tăng có nghĩa là Trung Quốc sắp hết khả năng để cắt giảm thêm thuế.

Ông Zhao Fuchang, nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Tài khóa Trung Quốc, nhận định việc giảm thuế và chi phí trên quy mô lớn là không bền vững. Nhưng cũng như ở Mỹ, không phải tất cả mọi người ở Trung Quốc đều đồng ý rằng thâm hụt là một rủi ro. Theo Giáo sư kinh tế Yan Liang tại Đại học Willamette, do nợ của khu vực công chủ yếu là bằng đồng tiền mà Bắc Kinh phát hành và cũng do lạm phát thấp nên cấp chính quyền trung ương không có ràng buộc về tài chính.

Ngoài ra, việc cắt giảm thuế cũng làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu nó có phù hợp với chương trình nghị sự “thịnh vượng chung” của Bắc Kinh nhằm mục đích cắt giảm bất bình đẳng trong thu nhập hay không.

Ông Bert Hofman, cựu giám đốc quốc gia tại Trung Quốc của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết việc giảm thuế VAT tiêu chuẩn từ 17% xuống 13% kể từ năm 2018 là một bước đi đúng hướng. Nhưng để thực sự giảm bất bình đẳng, Trung Quốc cần hạn chế sự phụ thuộc vào thuế tiêu dùng. Để mở rộng cơ sở thuế, ông Hofman cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên xem xét đánh thuế thu nhập ngoài lương như thu nhập từ vốn ở mức cao hơn và thậm chí có thể áp dụng thuế tài sản và thừa kế.

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.