Trung Quốc nhân bản thành công sói Bắc Cực đầu tiên trên thế giới

Nhân bản TRUNG QUỐC
21:44 - 20/09/2022
Chú sói Bắc Cực nhân bản đầu tiên trên thế giới mang tên Maya và nó được sinh ra trong một phòng thí nghiệm. Ảnh: Sinogene Biotechnology Co
Chú sói Bắc Cực nhân bản đầu tiên trên thế giới mang tên Maya và nó được sinh ra trong một phòng thí nghiệm. Ảnh: Sinogene Biotechnology Co
0:00 / 0:00
0:00
Một công ty gene có trụ sở tại Bắc Kinh vừa công bố qua video sự ra đời của một chú sói Bắc Cực hoang dã được nhân bản đầu tiên trên thế giới, 100 ngày sau khi nó chào đời trong phòng thí nghiệm, tạo ra bước tiến lớn trong công nghệ nhân bản.

Theo Global Times phỏng vấn ông Mi Jidong, Tổng giám đốc của Công ty Công nghệ sinh học Sinogene đứng sau dự án này, đây là trường hợp nhân bản thành công sói Bắc Cực đầu tiên trên thế giới. Với mục tiêu cứu loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng này, công ty đã hợp tác với công ty Harbin Polarland trong việc nhân bản sói Bắc Cực từ năm 2020 và chính thức thành công sau 2 năm nỗ lực không ngừng nghỉ và công bố thành quả hôm 19/9.

Các chuyên gia trong ngành nhận định đây là một cột mốc quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ nhân bản vô tính, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn các loài động vật quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chú sói Bắc Cực được nhân bản đầu tiên trên thế giới này được đặt tên là Maya và được sinh ra ngày 10/6. Theo các kết quả hiện tại, sức khỏe của nó vẫn đang rất ổn định. Để có thể tạo ra Maya, các nhà khoa học đã lấy tế bào từ mẫu da của một con sói Bắc Cực cái hoang dã được du nhập từ Canada đến Harbin Polarland.

Ông Zhao Jianping, phó tổng giám đốc của công ty, cho biết tế bào trứng của Maya là từ một con chó cái và mẹ thay thế của nó là một con chó săn. Việc nhân bản sói Bắc Cực được thực hiện bằng cách tạo ra 137 phôi mới từ các tế bào trứng và tế bào xôma đã được nhân lên, sau đó là chuyển 85 phôi vào tử cung của 7 con chó săn thỏ, trong đó một con được sinh ra là một con sói khỏe mạnh.

Các chuyên gia cho biết việc lựa chọn một con chó để mang thai Maya được thực hiện vì chó có chung nguồn gốc di truyền với loài sói cổ đại và nó có nhiều khả năng thành công hơn nhờ công nghệ nhân bản.

Chú sói Maya hiện đang sống trong một phòng thí nghiệm của Sinogene ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc trước khi được chuyển đến vùng Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, Đông Bắc Trung Quốc và trưng bày cho công chúng.

Tổng giám đốc của Harbin Polarland ông Dai Rui bổ sung thêm chú sói con Maya nhân bản sẽ sống một mình trong công viên trong giai đoạn đầu vì nó có thể không thích nghi được với các nhóm sói Bắc Cực khác. Ngoài Maya, Global Times cho biết một chú sói Bắc Cực nhân bản khác cũng được dự kiến ra đời vào 22/9 tới.

Sói Maya sẽ được chuyển tới Cáp Nhĩ Tân để cho công chúng chiêm ngưỡng. Ảnh: Sinogene Biotechnology Co

Sói Maya sẽ được chuyển tới Cáp Nhĩ Tân để cho công chúng chiêm ngưỡng. Ảnh: Sinogene Biotechnology Co

Là một phần của những bước đi cụ thể hơn nhằm thúc đẩy việc nhân giống nhiều loài động vật quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng thông qua công nghệ nhân bản vô tính, Công ty Công nghệ sinh học Sinogene và Công viên Động vật Hoang dã Bắc Kinh đã công bố kế hoạch xây dựng mối quan hệ đối tác.

Ngoài ra, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tài nguyên Động vật Thực nghiệm về Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc He Zhengming cũng khẳng định rằng, những động vật nhân bản vẫn có khả năng sinh sản nếu chúng có trứng thụ tinh còn nguyên vẹn. Do công nghệ nhân bản có thể sao chép tất cả thông tin di truyền để tạo giống có chọn lọc, nó có thể đa dạng hóa quần thể động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Gao Wei, phó giám đốc Công viên Động vật Hoang dã Bắc Kinh, cho biết quan hệ đối tác với công ty Sinogene mang lại cho Công viên Động vật Hoang dã Bắc Kinh một con đường nữa để bảo tồn các loài quý hiếm khi không thể sinh sản nhân tạo. Tuy nhiên hiện tại, hai bên vẫn chưa có dự án cụ thể nào được khởi động.

Dù được coi như một bước đột phá, việc nhân bản loài sói Bắc Cực cũng đã làm dấy lên nhiều tranh cãi. Ông Sun Quanhui, một nhà khoa học thuộc tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới, nói với Global Times rằng công nghệ nhân bản đã đạt được nhiều tiến bộ kể từ khi nó ra đời nhưng nó vẫn đang được hoàn thiện và đang trong giai đoạn nghiên cứu. Cũng vì lý do đó, công nghệ này vẫn còn nhiều vấn đề về kỹ thuật và đạo đức cần phải được giải quyết một cách thận trọng.

Theo ông Sun, một vài câu hỏi cấp bách nhất với công nghệ này hiện tại có thể thể đến bao gồm liệu có những rủi ro sức khỏe liên quan đến động vật nhân bản không và liệu động vật được phép nhân bản trong những trường hợp nào. Ngoài ra, tác động của nhân bản với đa dạng sinh học cũng cần phải được xem xét kỹ càng.

Đọc tiếp