Trung Quốc phát triển lúa nước mặn để đảm bảo an ninh lương thực

NÔNG NGHIỆP TRUNG QUỐC
11:19 - 21/02/2022
Ảnh: Imagine China
Ảnh: Imagine China
0:00 / 0:00
0:00
Nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực gây ra bởi nhu cầu gia tăng, biến đổi khí hậu và các căng thẳng địa chính trị, Trung Quốc đang tập trung phát triển các giống lúa nước mặn có thể chịu được môi trường khắc nghiệt và đem lại năng suất cao.

Huyện Tĩnh Hải thuộc thành phố Thiên Tân, phía bắc Trung Quốc, hoàn toàn không phải một địa phương thích hợp để trồng lúa. Nằm dọc bờ biển Bột Hải với hơn một nửa diện tích đất là đất mặn với độ kiềm cao, cây trồng không thể tồn tại nơi đây. Tuy nhiên vào mùa thu năm ngoái, Tĩnh Hải lại sản xuất được 100 ha lúa.

Bí kíp cho vụ mùa bội thu của địa phương này chính là các giống lúa chịu mặn do các nhà khoa học Trung Quốc phát triển. Được biết đến là “lúa nước mặn” do được trồng ở các vùng đất mặn gần biển, những giống lúa này được tạo ra bằng cách khai thác gene từ những giống lúa hoang có khả năng chịu mặn và kiềm tốt.

Các cánh đồng trồng thử nghiệm giống lúa này tại Thiên Tân đã ghi nhận năng suất đạt 4,6 tấn / 0,4 ha vào năm 2021. Con số này thậm chí còn cao hơn mức trung bình ghi nhận được trên toàn quốc với các giống lúa tiêu chuẩn.

Nông dân tại Thanh Đảo, Trung Quốc trồng lúa chịu mặn. Ảnh: Zhang Xiaopeng/Visual China Group/Getty Images

Nông dân tại Thanh Đảo, Trung Quốc trồng lúa chịu mặn. Ảnh: Zhang Xiaopeng/Visual China Group/Getty Images

Bước đột phá này được thực hiện trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm nhiều phương pháp nhằm đảm bảo an ninh và nguồn cung lương thực quốc gia khi sự nóng lên toàn cầu và các căng thẳng địa chính trị khiến việc nhập khẩu hàng hóa trở nên khó khăn hơn.

Với số dân chiếm tới 20% dân số toàn cầu và ít hơn 10% diện tích đất trên thế giới có thể canh tác, bài toán đảm bảo lương thực khi nhu cầu ngày một gia tăng theo thu nhập của người dân khiến chính phủ nước này gặp nhiều thách thức. Trong 10 năm từ 2009 tới 2019, diện tích đất canh tác tại Trung Quốc đã giảm 6% do đô thị hóa, ô nhiễm và lạm dụng phân bón.

Biến đổi khí hậu cũng khiến nhiệm vụ này càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Nước biển tại Trung Quốc đang dâng lên nhanh hơn mức trung bình toàn cầu trong 40 năm qua. Đây là một xu thế đáng lo ngại do quốc gia này phụ thuộc nhiều vào vùng duyên hải dài và thấp tại phía đông để sản xuất ngũ cốc. Khoảng 100 ha đất với diện tích tương đương Ai Cập cũng đã bị nhiễm mặn.

Để tận dụng đất nhiễm mặn, một phương pháp thường được sử dụng bởi nông dân tại các vùng ven biển là pha lẫn với nước ngọt. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi một lượng lớn nước nhưng lại không cải thiện được năng suất đủ để tạo ra ý nghĩa về mặt kinh tế. Bằng giống lúa này, các nhà khoa học hy vọng diện tích đất đai từng bị coi là không thể canh tác có thể biến thành các mảnh đất sản xuất ngũ cốc hiệu quả. Sự thành công của giống lúa chịu mặn sẽ cho phép Trung Quốc tận dụng được diện tích đất ngày càng nhiễm mặn của mình.

Trung Quốc đã nghiên cứu lúa chịu mặn ít nhất là từ những năm 1950. Tuy nhiên việc này chỉ bắt đầu nhận được sự chú ý trong những năm gần đây sau khi ông Yuan Longping – người từng là nhà khoa học nông nghiệp hàng đầu của Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu ý tưởng này vào năm 2012.

Zhang Zhaoxin, một nhà nghiên cứu thuộc Bộ nông nghiệp Trung Quốc, cho biết quốc gia hiện cũng đang xem xét một phương pháp khác phát triển các giống ngũ cốc chịu mặn. Dù lúa nước mặn hiện mới chủ yếu được trồng trên các cánh đồng thử nghiệm, anh tin rằng việc canh tác sẽ sớm được thương mại hóa với sự hỗ trợ của chính phủ.

Đọc tiếp