Trung Quốc tái cấp phép tựa games nước ngoài sau 18 tháng

Games TRUNG QUỐC
16:16 - 29/12/2022
Trung Quốc cấp phép cho 45 tựa games nhập khẩu trong tháng 12 sau 18 tháng đóng băng. Ảnh: Reuters
Trung Quốc cấp phép cho 45 tựa games nhập khẩu trong tháng 12 sau 18 tháng đóng băng. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 28/12, cơ quan quản lý trò chơi điện tử của Trung Quốc đã cấp giấy phép phát hành cho 45 tựa games nước ngoài tại quốc gia này, trong đó có 7 tựa games của Hàn Quốc, đánh dấu sự nới lỏng chính sách cho ngành công nghiệp games.

Tại thị trường games lớn nhất thế giới là Trung Quốc, các trò chơi sẽ phải trải qua quá trình kiểm duyệt và cấp phép rồi mới được ra mắt. Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc (NPPA) chính là cơ quan chịu trách nhiệm cho quá trình này. Sau hơn 1 năm đóng băng, cơ quan này ngày 28/12 thông báo cấp giấy phép phát hành cho 45 tựa games nước ngoài.

Theo thông báo chính thức của Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc được Reuters trích dẫn, có 5 trong số 45 tựa games nước ngoài sẽ được xuất bản bởi gã khổng lồ công nghệ Tencent. Trong số các trò chơi đó sẽ bao gồm những cái tên như "Pokémon Unite" của Nintendo và "Valorant" của Riot Games.

Ngoài ra, danh sách các trò chơi điện tử mà cơ quan này công bố còn cho thấy các trò chơi nhập khẩu khác được phê duyệt bao gồm "Gwent: The Witcher Card Game" của CD Projekt và "Don't Starve" của Klei Entertainment.

Cùng với Tencent, hàng loạt các công ty phát hành game lớn tại Trung Quốc như NetEase, ByteDance, XD Inc và iDreamSky là các công ty đã nhận được sự chấp thuận của chính phủ trong việc phát hành game mới. Ngoài 45 tựa game nước ngoài, cục quản lý cũng đã phê duyệt thêm 84 tựa games được phát triển nội địa trong tháng 12 theo một thông báo riêng biệt khác của NPPA.

Một ngày sau khi được chính phủ Trung Quốc cấp phép, các cổ phiếu game của Hàn Quốc bao gồm Netmarble Corp, NCSOFT, Krafton, Kakao Games và Devsisters đều ghi nhận mức tăng từ 2% đến hơn 17% trong phiên giao dịch sáng 29/12. Cổ phiếu của Tencent, XD Inc, iDreamSky cũng tăng từ 0,8% đến 5,2% tại Hong Kong, trong khi cổ phiếu Nintendo của Nhật Bản tăng 0,2%.

Việc cấp phép cho các trò chơi điện tử của nước ngoài đánh dấu sự kết thúc quá trình siết quy định của chính phủ Trung Quốc với ngành công nghiệp này. Bắt đầu từ tháng 8/2021, Cục Quản lý Xuất bản và Báo chí Quốc gia Trung Quốc đã đóng băng toàn bộ quá trình cấp phép games.

Tới tháng 4/2022, việc cấp giấy phép cho các trò chơi được phát triển trong nước đã được nối lại nhưng hạn chế vẫn còn tồn tại đối với các tựa games nhập khẩu. Điều này khiến việc gỡ bỏ hạn chế với các trò chơi điện tử nước ngoài hồi cuối tháng 12 trở thành bước cuối cùng trong quá trình dỡ bỏ quy định nghiêm ngặt với ngành games.

Nhận định về việc này, những gã khổng lồ công nghệ thu được lợi nhuận lớn từ việc phát hành games cho biết đây là một động thái tích cực. Sau hơn 1 năm chịu nhiều thiệt hại, ngành games Trung Quốc đang dần dần sôi động trở lại bất chấp việc số lượng giấy phép được cấp cho games nhập khẩu trong năm 2022 ít hơn so với năm 2021 (76) và năm 2017 (456).

Việc các công ty như Tencent nhận được các giấy phép trò chơi thương mại đầu tiên trong hơn 1 năm rưỡi cũng được coi như một tín hiệu quan trọng báo hiệu ngành công nghiệp này đang dần được bình thường hóa về mặt chính sách.

Dù vậy, trong một cuộc họp cuối năm hồi tháng 12, nhà sáng lập Tencent Pony Ma cho biết công ty vẫn cần phải làm quen với quy định cấp phép nghiêm ngặt của chính phủ cũng như số lượng trò chơi mới được phê duyệt hạn chế trong một khoảng thời gian dài sắp tới.

Đọc tiếp

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

TikTok tiếp tục gặp rắc rối tại Mỹ

Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FTC) đang tiến hành điều tra TikTok về các hoạt động dữ liệu và bảo mật. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang phải đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn quyền sở hữu ứng dụng này.
Chính quyền Mỹ kiện Apple

Chính quyền Mỹ kiện Apple

Bộ Tư pháp Mỹ cùng 16 tiểu bang và một quận đã nộp đơn kiện Apple với cáo buộc hãng có hành vi độc quyền trong hoạt động kinh doanh iPhone.