Tương lai ảm đạm của ngành cọ dầu Indonesia khi thiếu phân bón

Dầu cọ Indonesia
06:29 - 28/06/2022
Người nông dân trồng cọ dầu tại Indonesia đối mặt với tình trạng thiếu hụt phân bón. Ảnh: AP
Người nông dân trồng cọ dầu tại Indonesia đối mặt với tình trạng thiếu hụt phân bón. Ảnh: AP
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và Belarus được áp đặt, việc xuất khẩu phân bón ra thế giới trở nên ngày càng bế tắc hơn và tác động không nhỏ đến những người nông dân trồng cọ dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Indonesia.

Vài tháng qua là chính là khoảng thời gian thử thách đối với những nông dân trồng cọ dầu Indonesia như ông Albertus Wawan, chủ sở hữu của một đồn điền rộng 5ha ở Sekadau Regency, thuộc tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia. Vườn cọ của ông đang chịu cảnh lao đao trước tình tình biến động giá phân bón trong nước, cũng như diễn biến xuất khẩu phân bón bế tắc trên thế giới.

Vào tháng 4, chính phủ Indonesia tuyên bố sẽ kiềm chế nguồn cung và ổn định giá dầu ăn trong nước bằng lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Tuy nhiên, lệnh cấm đã khiến giá cọ dầu của ông Wawan sụt giảm.

"Tôi từng kiếm được khoảng 4.000 Rupiah (0,27 USD)/kg cọ tươi của mình. Nhưng sau đó, giá đã giảm xuống còn khoảng 2.000 Rupiah (0,14 USD)/kg. Đây không phải là một mức giá hợp lý", Nikkei Asia dẫn lời ông Wawan.

Ngay cả khi lệnh cấm đã được gỡ bỏ và xuất khẩu đang có dấu hiệu tiến triển thì công việc kinh doanh dầu cọ quy mô nhỏ của ông Wawan lại phải đối mặt với một vấn đề mới với rủi ro nặng nề hơn: thiếu phân bón.

Vì sao phân bón vừa đắt, vừa khan hiếm?

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào vào cuối tháng 2, nhiều nông dân trồng cọ Indonesia không biết Nga là nhà xuất khẩu phân bón nitơ chính trên thế giới và là nước xuất khẩu phân bón gốc phốt pho và kali lớn thứ hai, cũng như nước láng giềng Belarus cũng là nhà xuất khẩu phân bón hóa học chủ chốt. Nhưng giờ đây, họ đang lo lắng trước việc thiếu hụt phân bón.

Nông dân trồng cọ dầu Albertus Wawan nói rằng nếu không có phân bón, tương lai của ông sẽ rất ảm đạm. Ảnh: Nikkei Asia
Nông dân trồng cọ dầu Albertus Wawan nói rằng nếu không có phân bón, tương lai của ông sẽ rất ảm đạm. Ảnh: Nikkei Asia

Tuy nhiên, giờ đây họ đều trở nên lo ngại khi nguồn cung phân bón từ Nga không còn dồi dào. "Phân bón rất khó kiếm. Kể cả khi tìm được nguồn cung, thì giá của nó cũng rất đắt vì nguyên liệu đầu vào vốn nhập khẩu từ nước ngoài, thường là Nga", ông Wawan nói.

Đồng thời, người nông dân này cho biết, giá phân bón ở vùng Tây Kalimantan đã tăng từ khoảng 700.000 Rupiah (47 USD)/50 kg lên hơn 1,2 triệu Rupiah (81 USD).

Ngày 10/6, ông Boubaker Ben-Belhassen, Giám đốc Bộ phận Thương mại và Thị trường của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, cho biết việc xuất khẩu lúa mì và các mặt hàng thực phẩm khác từ Ukraine và Nga bị ảnh hưởng "có nguy cơ khiến từ 11 triệu đến 19 triệu người rơi vào nạn đói kinh niên trong năm tới”.

Quan chức này cũng cảnh báo các vấn đề với ngũ cốc, dầu ăn và phân bón là những nguyên nhân tiềm ẩn cho tình trạng trên, trong đó các nước châu Á đang bị "tác động mạnh" trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo nhà kinh tế Adinova Fauri, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Indonesia, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các lệnh trừng phạt Nga, cũng như sự gián đoạn nguồn cung sau đó không phải là yếu tố duy nhất khiến giá phân bón tăng.

"Việc tăng giá phân bón cũng xảy ra do áp lực tăng giá khi kinh tế phục hồi trở lại sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Một vấn đề khác là các chính sách hướng nội đang diễn ra trên toàn thế giới, chẳng hạn như Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu phân bón. Điều này ngày càng gây thêm áp lực lên nguồn cung của thế giới và khiến giá tiếp tục tăng”, ông phân tích.

Nếu giá phân bón không ổn định trở lại...

Các chuyên gia cũng nói rằng, người dân khó có thể chống lại tình trạng giá phân bón cao. Đặc biệt, đối với người nông dân trồng cọ dầu, loại cây này được thu hoạch quanh năm, nhưng đồng nghĩa là mảnh đất trồng cọ cần được bổ sung phân bón để cây không bị chết.

"Cây cọ dầu cần phải chăm sóc kỹ lưỡng và bón phân 3 tháng/lần. Nếu cây không được cung cấp đủ lượng phân bón thì năng suất thu hoạch sẽ giảm sút. Do vậy, người nông dân buộc phải mua phân kể cả khi giá cao, nếu muốn chăm sóc cây và đảm bảo chất lượng cọ", bà Uli Arta Siagian, một nhà vận động rừng và đồn điền tại tổ chức phi lợi nhuận về môi trường (WALHI), cho biết.

Cuộc biểu tình của người nông dân trồng cọ Indonesia hồi tháng 5 khi mong muốn chính phủ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm trên vào ngày 23/5. Ảnh: Reuters
Cuộc biểu tình của người nông dân trồng cọ Indonesia hồi tháng 5 khi mong muốn chính phủ chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ. Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm trên vào ngày 23/5. Ảnh: Reuters

Bà cũng nói thêm rằng, mặc dù chính phủ Indonesia đã đề nghị trợ cấp phân bón trong một số trường hợp, nhưng những nông dân sản xuất quy mô nhỏ thường không được hưởng lợi từ khoản hỗ trợ như vậy.

Một giải pháp khác cho người nông dân đó là họ thay thế phân bón hóa học bằng phân bón hữu cơ thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, bà Siagian cho biết, sử dụng phân hữu cơ đòi hỏi sự kiên nhẫn vì hiệu quả chậm hơn. "Chúng tôi mong muốn những nông dân sẵn sàng chờ đợi lâu hơn. Tuy nhiên, người nông dân cần có những lựa chọn thực dụng", bà nói.

Tại tỉnh Jambi, trên đảo Sumatra, ông Vincentius Haryono, người sở hữu một đồn điền rộng 4 ha, cho biết giá phân bón đã tăng từ khoảng 300.000 Rupiah (20 USD)/50 kg lên hơn 800.000 Rupiah (54 USD).

"Nếu chúng tôi không đủ tiền mua phân bón hóa học hoặc không tìm được nguồn mua, thì chúng tôi sẽ tìm đến các loại phân bón khác như phân hữu cơ, giá 2.000 Rupiah (0,14 USD)/kg. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp tối ưu, đặc biệt là đối với cọ dầu – loại cây cần bổ sung nhiều kali", ông cho biết.

Trong khi đó, người nông dân Wawan than thở tương lai của ông sẽ rất ảm đạm nếu giá phân bón không ổn định trở lại. "Cuối cùng thì điều gì sẽ xảy ra khi người nông dân quyết định không sử dụng phân bón nữa và không chăm sóc các đồn điền của họ đúng cách? Khi đó, sản lượng sẽ giảm và gây ra vấn đề về nguồn cung. Hiện tại thì không sao đâu, nhưng trong năm tới, chúng ta sẽ nhận thấy rằng chất lượng trái cọ tươi giảm và người dân sẽ thu hoạch ít cọ hơn”, ông Wawan nói.

Trong khi đó, bà Siagian, cho biết nếu sản lượng thu hoạch cọ ở Indonesia – quốc gia sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới – sụt giảm vì thiếu phân bón, thì có thể gây ra phản ứng dây chuyền và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu một lần nữa.

"Trong tương lai, các cuộc chiến mới sẽ không phải là về các nước ném bom lẫn nhau mà là về các cuộc chiến giành năng lượng, thực phẩm và nước", bà nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ông Trump thoát nguy cơ bị tịch thu tài sản

Ngày 25/3, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được một chiến thắng trong việc tạm dừng phán quyết gian lận dân sự trị giá 454 triệu USD, từ đó tránh được việc bị chính quyền bang New York thực hiện các bước để tịch thu tài sản.