UBCKNN nêu 5 giải pháp đảm bảo thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch

UBCKNN Bộ Tài Chính
13:05 - 05/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
UBCKNN sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo cho sự phát triển của thị trường. Hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển bền vững.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm nay diễn ra với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới", tổ chức tại TP HCM ngày 5/6. Trong buổi sáng, Diễn đàn tổ chức song song 3 hội thảo chuyên đề về các lĩnh vực liên quan đến quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 gồm: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch Covid-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, mặc dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021 và đã tăng bình quân khoảng 5-7% với phân khúc chung cư; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong quý I/2022, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 20.325 giao dịch thành công, chỉ bằng khoảng 45,5% so với Quý IV/2021 và bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, thị trường vốn là kênh quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản để huy động vốn trung và dài hạn, phù hợp với tính chất đầu tư của các dự án bất động sản. Thực tế, quy mô của thị trường vốn Việt Nam tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021. Đến cuối quý 1/2022, quy mô thị trường vốn đạt 134,570% GDP năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP; quy mô thị trường trái phiếu đạt 40,7% GDP.

Mặc dù có sự tăng trưởng nhanh, đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước, nhưng theo ông Nguyễn Đức Chi, thị trường vốn, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại, hạn chế cần được phân tích, làm rõ để khắc phục trong thời gian tới. Theo đó, thị trường vốn phát triển chưa sâu, dễ bị tác động bởi yếu tố tâm lý, ảnh hưởng của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế.

Còn thị trường bất động sản qua trường hợp đấu giá đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm - TP HCM đã cho thấy vẫn còn những hạn chế nhất định về: Quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, thuế, tín dụng, thu tiền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai, các quy định pháp lý về kinh doanh bất động sản…

Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản tăng trưởng nhanh về quy mô nhưng cũng phát sinh nhiều rủi ro, bất cập khi các tổ chức phát hành thiếu thông tin, kém minh bạch, hiệu quả sử dụng vốn thấp…

Từ thực trạng trên, Thứ trưởng nhận định cần thiết phải có các giải pháp nhằm phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản lành mạnh, từ hoàn thiện khung khổ pháp lý gồm Luật chứng khoán, Luật doanh nghiệp, Luật xây dựng, Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn... đến triển khai các giải pháp điều hành và quản lý, giám sát thị trường.

Giải pháp nào để thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch

Tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, thị trường chứng khoán đã hình thành và vận hành đầy đủ các cấu phần bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán phái sinh.

Quy mô của thị trường vốn tăng trưởng bình quân 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, đạt 134% GDP vào năm 2021, gấp 3,5 lần quy mô năm 2015, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 92,8% GDP năm 2021; quy mô thị trường trái phiếu 40,7%GDP.

Ông Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Diễn đàn.

Theo số liệu của UBCKNN, số lượng tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đã tăng nhanh đạt trên 5,2 triệu tài khoản vào cuối tháng 4/2022, trong đó số tài khoản mở mới trong năm 2021 bằng cả giai đoạn 2013-2020 cộng lại. Số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng gia tăng với tổng giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài cuối năm 2021 đạt 54,9 tỷ USD, tăng hơn 21% so với cuối năm 2020 và gấp hơn 6,5 lần trong vòng 10 năm qua.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh của công ty niêm yết và công ty đại chúng chưa niêm yết cũng tương đối khả quan (lợi nhuận của các công ty niêm yết tăng 35,1% so với năm 2020; tỷ suất sinh lời cũng được cải thiện từ mức 13,1% năm 2020 lên 14,6% năm 2021) cho thấy hoạt động của công ty đại chúng đã từng bước phục hồi và thích nghi với tình hình dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như: Hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu, thị trường phái sinh ngày càng tinh vi, phức tạp; Rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về pháp luật đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; Một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế...

Để đảm bảo thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch, UBCKNN đưa ra một số giải pháp sau:

Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường theo hướng tăng cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững

Trước mắt, UBCKNN sẽ chủ động, tích cực trong việc đưa các quy định, chính sách mới của Luật chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn; Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển TTCK, trong đó tập trung hoàn thành Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030. Cụ thể:

Đối với thị trường cổ phiếu: Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.

Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ: Phát triển thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác cơ cấu lại ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đảm bảo huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Phát triển theo hướng bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

UBCKNN đang tích cực chỉ đạo và phối hợp với các Sở GDCK, Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong việc xây dựng và triển khai, đưa vào hoạt động sản giao dịch cho các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; đẩy mạnh công giám sát việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu và thực hiện công bố thông tin và giao dịch trái phiếu trên hệ thống công bố thông tin của SGDCK Hà Nội.

UBCKNN cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.

Đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường

UBCKNN tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp; nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường, áp dụng các công nghệ tài chính mới, chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract), xác thực khách hàng trực tuyến (e-KYC); nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên hành nghề chứng khoán...

Đối với các tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, tổ chức xếp hạng tín dụng… UBCKNN sẽ phối hợp với đơn vị của Bộ Tài chính để nâng cao đạo đức lẫn chất lượng dịch vụ của các tổ chức này; Khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.

Tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; Tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Đồng thời, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô…

Tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của thị trường: UBCKNN sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Công an tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường.

Những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển bền vững. UBCKNN cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát, cả về số lượng và chất lượng, dần đưa vào ứng dụng công nghệ mới (Big Data; Machine Learning, Blockchain) trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát.

Về công tác thông tin, tuyên truyền, UBCKNN sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động vốn và đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp