Ukraine: Không quốc gia nào hỗ trợ đủ cho Kiev trong cuộc xung đột

chiến sự Nga - Ukraine
09:20 - 10/01/2023
Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba.
0:00 / 0:00
0:00
Ngoại trưởng Ukraine Dmitro Kuleba cho biết nước này sẽ tiếp tục trang bị vũ khí cho quân đội để chiến đấu và "khôi phục hòa bình và an ninh ở châu Âu". Ông cũng cảm ơn các đối tác đã viện trợ quân sự cho Kiev, nhưng cho rằng các nước hành động chưa đủ.

"Ukraine cảm kích các đối tác đã viện trợ quân sự, nhưng chúng ta nên trung thực với nhau rằng: Vẫn chưa có nước nào hành động đủ nếu Nga vẫn còn trên lãnh thổ Ukraine. Trang bị vũ khí cho Ukraine để giành chiến thắng là con đường ngắn nhất để khôi phục hòa bình và an ninh ở châu Âu và hơn thế nữa", Ngoại trưởng Kuleba viết trên Twitter ngày 9/1, theo RT.

Tuy nhiên, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyanskiy đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố của Ngoại trưởng Ukraine khi kêu gọi phương Tây viện trợ quân sự. Ông cho rằng Kiev đang có nhiều mục tiêu khác nhau.

Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra, phương Tây đã cam kết viện trợ quân sự đối Ukraine để hỗ trợ nước này trong cuộc chiến và bù đắp cho những tổn thất nặng nề trên chiến trường.

Ukraine: Không quốc gia nào hỗ trợ đủ cho Kiev trong cuộc xung đột ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ chuyển giao cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Bradley. Ảnh: AP

Mỹ hiện là quốc gia viện trợ quân sự lớn nhất cho Kiev với tổng số hỗ trợ là hơn 24,2 tỷ USD. Washington tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp trang thiết bị và khí tài quân sự để giúp Ukraine giành ưu thế trên chiến trường, từ đó có vị thế tốt nhất trên bàn đàm phán.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định sẽ chuyển giao cho Kiev xe chiến đấu bộ binh Bradley như một phần của gói hỗ trợ an ninh mới cho nước này, trong bối cảnh gần 1 năm diễn ra cuộc xung đột.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đồng ý cung cấp xe tăng hạng nhẹ AMX-10 RC cho Ukraine, đồng thời trao đổi với Kiev về việc huấn luyện binh sĩ. Động thái trên thể hiện sự thay đổi đáng kể trong chính sách viện trợ của Pháp cho Ukraine.

Ukraine: Không quốc gia nào hỗ trợ đủ cho Kiev trong cuộc xung đột ảnh 2

Pháp là quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp xe tăng cho Ukraine. AMX-10 RC là xe tăng hạng nhẹ 6 bánh được thiết kế ban đầu cho nhiệm vụ trinh sát. Ảnh: AFP

Pháp từng cung cấp các loại pháo tối tân, xe bọc thép chở quân và tên lửa phòng không cho quân đội Ukraine, nhưng Tổng thống Macron cũng nhiều lần thể hiện thái độ thận trọng trong quan hệ với Nga và tránh cắt đứt hoàn toàn liên lạc với Tổng thống Vladimir Putin.

Chính phủ Đức cũng cam kết chuyển giao xe chiến đấu bộ binh Marder và tổ hợp phòng không Patriot cho Ukraine.

Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngừng "bơm" vũ khí cho Kiev, khẳng định rằng việc tiếp tục viện trợ sẽ chỉ kéo dài chiến sự và gây thêm đau khổ cho người dân hơn là thay đổi kết quả cuối cùng của cuộc xung đột.

Bình luận về việc Pháp quyết định cung cấp các phương tiện chiến đấu bọc thép cho Ukraine, ông Peskov nói rằng, không chỉ có Pháp, "tập thể châu Âu, Mỹ và NATO đã bơm hàng chục tỷ USD vào Ukraine thông qua việc cung cấp vũ khí", theo CNN.

"Việc chuyển giao vũ khí có thể gây thêm đau đớn cho người dân Ukraine, kéo dài sự khổ đau của họ. Nhưng về cơ bản, họ không thể thay đổi bất cứ điều gì ở Ukraine", ông Peskov nói. "Những nguồn cung vũ khí từ phương Tây không có khả năng làm gián đoạn việc Nga đạt được các mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt".

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.