Ùn ứ nông sản: Phải giải quyết vấn đề cũ bằng cách mới

Ùn ứ nông sản: Phải giải quyết vấn đề cũ bằng cách mới

Nông Sản Việt nAM
08:03 - 17/03/2022
Ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu xuất sang Trung Quốc là câu chuyện “đến hẹn lại lên” hàng năm. Để giải quyết tận gốc tình trạng này, đại diện các bộ đều cho rằng cần có cách làm mới cho một cục diện mới.

Tình trạng cửa khẩu ùn ứ diễn ra từ cuối năm 2021 và cận Tết đã được giải toả phần nào khi các cơ quan quản lý cùng vào cuộc tháo gỡ. Tuy nhiên, sau Tết Nguyên đán, hiện tượng này lại tái diễn. Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Sở Công Thương Lạng Sơn thông báo tiếp tục dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi lên khu vực cửa khẩu đến ngày 15/3, do tốc độ thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa thể cải thiện.

Ùn ứ các cửa khẩu là câu chuyện diễn ra thường kỳ hàng năm đối với việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc, vậy đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề không hề mới này?

Trả lời chất vấn tại Phiên họp Quốc hội sáng 16/3 về vấn đề ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trăn trở, không như sản phẩm công nghiệp, nông sản có chu kỳ thu hoạch và dù tình trạng như thế nào cũng phải tiêu thụ. Đây là điều khó nhất trong câu chuyện của nông sản và nông nghiệp.

"10 triệu hộ nông dân sản xuất với 10 triệu thửa đất, một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thì để kiểm soát và tổ chức lại, đáp ứng được yêu cầu của thị trường thì không phải ngày một ngày hai làm được", tư lệnh ngành Nông nghiệp giãi bày.

Từ đó, Bộ trưởng Hoan chỉ ra căn cơ để giải quyết vấn đề tiêu thụ nông sản hiện nay là cần tổ chức lại sản xuất, hướng đến xây dựng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. “Muốn vậy, cần phải tập trung vào tổ chức lại sản xuất và tổ chức lại ngành hàng”, ông Hoan nhấn mạnh.

Với thực trạng là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát thì vấn đề tổ chức lại sản xuất rất cần thiết. Cách thức mấu chốt là phát triển kinh tế tập thể để liên kết các đầu mối, thông qua hợp tác xã. Mọi thông tin truyền thông, định hướng, phổ biến chính sách… phải trực tiếp hơn. Đây là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT, đồng thời cũng là trách nhiệm của địa phương.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lại ngành hàng cũng đóng một vai trò quan trọng vì mỗi ngành hàng không chỉ có ở một địa phương. Phải đưa vào một quỹ đạo thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, hình thành những liên minh để cùng đề ra những khuyến nghị, định hướng chiến lược chứ không thể là tư duy mùa vụ.

Chia sẻ thêm thông tin phấn khởi về cách làm khác trong sản xuất của người nông dân, tư lệnh ngành Nông nghiệp cho biết, gần đây có rất nhiều hộ sản xuất ở Gia Lai, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Phúc… thay vì dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu thì đã dùng phân hữu cơ.

“Đây vừa là giải pháp trước mắt cũng là định hướng lâu dài để chúng ta bớt lệ thuộc, chuyển từ nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hóa học sang nền nông nghiệp hữu cơ hóa, nền nông nghiệp sinh thái”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh.

Giải quyết ùn ứ nông sản bằng việc tổ chức lại ngành hàng cũng là ý kiến được Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc sớm nêu ra từ những ngày ách tắc cửa khẩu căng thẳng cuối năm 2021.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Lộc cho rằng, xuất khẩu nông sản đặc biệt là xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc là một cửa ngõ rất quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đặc biệt là khi Việt Nam kí các hiệp định toàn diện khu vực, vai trò của thị trường Trung Quốc sẽ còn tăng trong thời gian tới. Bên cạnh những lợi ích, các doanh nghiệp cũng sẽ gặp nhiều thách thức trong việc thúc đẩy và bảo quyền lợi của các doanh nghiệp trong việc tham gia vào thị trường này.

Theo ông Lộc, khi tham gia vào những FTA có nghĩa là các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đã vươn lên chuẩn mực mới của thương mại thế giới. Do đó, việc buôn bán chính ngạch triển khai theo các hợp đồng dài hạn, bài bản, đa dạng hóa các kênh lưu thông sẽ trở thành yêu cầu rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

“Các hiệp hội ngành hàng cùng và Chính phủ phải đóng vai trò đưa ra những thông tin dự báo, định hướng và tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Cần có các hoạt động nỗ lực đồng bộ như vậy mới có thể tạo ra được thị trường xuất khẩu nông sản an toàn bền vững với Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung”, Đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc nhận định.

Cùng tham gia trả lời chất vấn về vấn đề ùn ứ nông sản với Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định nếu vẫn giữ cách làm cũ "có gì làm nấy, có gì bán nấy" thì sẽ tiếp tục bị động.

Từ đó, Bộ trưởng Diên đề nghị ngành nông nghiệp cần quy hoạch lại vùng trồng, xây dựng kế hoạch, đề án sản xuất theo nhu cầu từng thị trường. "Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ NN&PTNT tập huấn cho các tổ chức, hiệp hội, ngành hàng để nắm bắt nhu cầu, thói quen tiêu dùng từng thị trường, góp phần chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch", ông Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Khẳng định chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là câu chuyện lâu dài, Bộ trưởng Diên cho biết trước mắt, tinh thần là "tắc đâu thì phải thông đấy". Bộ Công Thương đã phối hợp với phía nhập khẩu bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các "vùng xanh" an toàn để xuất khẩu hàng hóa, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa...

Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

Còn theo Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan, để chuyển từ tư duy sản xuất, xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy của hiệp hội ngành hàng, của doanh nghiệp, của người nông dân mà trách nhiệm trực tiếp là chính quyền địa phương, Bộ NN&PTNT chỉ có thể cung cấp những chiến lược chung, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường.

Nêu thêm một trong những hoạt động kết hợp giữa hai bộ để tháo gỡ ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, cả hai bộ sẽ cùng điều chỉnh giá cả vật tư đầu vào và kéo giá đầu ra cho sản phẩm để nâng cao giá trị cho nông sản.

Tuy nhiên, ông Hoan cũng chia sẻ khó khăn là Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã có rất nhiều phiên làm việc để có thể cân bằng được nguồn nguyên vật liệu chính cho nông nghiệp, nhưng thị trường thế giới cũng có độ trễ nhất định, không thể giải quyết được trong ngày một ngày hai.

Đề cập đến vấn đề về nâng cao năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài, tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới, Bộ trưởng Công Thương cho rằng cần lưu ý một số vấn đề lớn.

“Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường, đồng thời phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên, hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Đọc tiếp