Ước 'lỗ lịch sử' trong năm 2023, EVN lại xin tăng giá điện

EVN Việt nAM
17:02 - 30/01/2023
Ước 'lỗ lịch sử' trong năm 2023, EVN lại xin tăng giá điện.
Ước 'lỗ lịch sử' trong năm 2023, EVN lại xin tăng giá điện.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2022 báo cáo lỗ gần 29.000 tỷ đồng, nhưng theo ước tính của đơn vị này, số lỗ còn có thể tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi trong năm 2023 này.

Trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị này cho biết, ước tính năm 2022, công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 28.876 tỷ đồng.

EVN thậm chí có thể lỗ nhiều hơn số liệu ước tính trên nếu như không thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện. Theo EVN, nguyên nhân chủ yếu gây ra khoản lỗ nặng này là do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.

Năm 2022, thị trường chứng kiến giá than tăng phi mã, tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500 - 4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.

Điều đó khiến 2022 được ghi nhận là năm "lỗ lịch sử" trong hoạt động kinh doanh điện của tập đoàn này.

Theo báo cáo nêu trên, năm 2023, nếu giá bán lẻ điện giữ nguyên theo giá điện hiện hành, thì số lỗ dự kiến của EVN có thể lên đến 64.941 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm sẽ lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, tổng lỗ sản xuất kinh doanh của EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 là 93.817 tỷ đồng.

Với số lỗ dự kiến trên, EVN nhận định, nếu năm 2023 không được tăng giá điện ở mức phù hợp, EVN sẽ bị mất cân đối dòng tiền hoạt động.

Do đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức đủ lớn để EVN đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của Nhà nước đầu tư tại EVN.

EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của Nhà nước đầu tư tại EVN.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của EVN, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chia sẻ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, khuyến nghị nhiều biện pháp để EVN kịp thời ứng biến với tình hình thực tế; chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.

Tin liên quan

Đọc tiếp