Vải thiều Việt Nam lập kỳ tích nhờ thương mại điện tử

KInh tế số Việt nAM
10:51 - 31/12/2021
Vải thiều Việt Nam lập kỳ tích nhờ thương mại điện tử
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2021, sản lượng tiêu thụ vải thiều tăng cao chưa từng có đạt doanh thu 1.400 tỷ ở Hải Dương và sản lượng tiêu thụ hơn 200.000 tấn của tỉnh Bắc Giang. Kết quả này đạt được một phần lớn là nhờ việc đưa vải thiều lên các sàn thương mại điện tử.

Do tác động của Covid-19, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam trở thành một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất tại Đông Nam Á. Trong số những dấu ấn của thị trường này năm qua có sàn TMĐT Vỏ Sò và hành trình xuất khẩu vải thiều của Bắc Giang và Hải Dương sang EU. Đây cũng được coi là một thành công lớn của ngành xuất khẩu nông sản trong năm nay.

Theo thông tin từ ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp năm 2021, sáng 29/12, năm nay, doanh thu của vải thiều lên tới 1.400 tỷ đồng, một con số đáng kinh ngạc so với mức thu 600 tỷ đồng của năm 2020.

Ông Hùng cũng cho biết dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng sản xuất nông nghiệp là điểm sáng của Hải Dương trong năm 2021 với mức tăng trưởng cao 6,9%, đặc biệt sản xuất vụ đông năm 2021 đạt mức tăng trưởng 8,7%.Kết quả này đạt được một phần lớn là nhờ chuyển đổi số nông nghiệp, trong đó có thể kể đến việc xuất khẩu nông sản thông qua hình thức TMĐT xuyên biên giới. Hải Dương đã đưa 300 sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT.

Đặc biệt, khi đưa quả vải thiều đặc sản của tỉnh lên sàn, sản phẩm không chỉ tiếp cận được người tiêu dùng toàn quốc mà hình ảnh đặc sản thơm ngon này còn có cơ hội được quảng bá rộng rãi ra thị trường quốc tế.

Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào Đức. Ảnh: Hải quan Online

Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu vào Đức. Ảnh: Hải quan Online

Đồng thời Hải Dương cũng thể hiện mong muốn được hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển ngành nông nghiệp trong điều kiện mới, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Tỉnh sẽ thúc đẩy sản xuất tập trung gắn với cơ giới hóa, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công nghiệp trong nông nghiệp. Việc này nhằm chuẩn bị cho chuỗi ngành hàng của các địa phương, từ việc chăm sóc, thu hoạch, dán nhãn, luồng xanh và xúc tiến thương mại ở các nước.

Ngoài Hải Dương, Bắc Giang cũng là một địa phương “thắng lớn” trong mùa vụ năm nay nhờ việc đưa nông sản lên sàn TMĐT. Nhờ việc tích cực quảng bá các mặt hàng nông sản trên các sàn TMĐT lớn của Bộ Công Thương, trong năm đầu tiên được đưa lên sàn TMĐT, chỉ tính riêng sản lượng vải phân phối qua các sàn đạt đã đạt trên 9.000 tấn, với gần 1 triệu đơn hàng, gần gấp 5 lần kịch bản tốt nhất mà tỉnh Bắc Giang xây dựng trước đó.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã phối hợp với VnPost hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Bắc Giang tiêu thụ khoảng 3.000 tấn, thông qua hình thức mua bán trên sàn TMĐT Vỏ Sò và Postmart. Thông qua 2 sàn TMĐT này, hàng triệu hộ gia đình ở khắp mọi miền đất nước đã có thể ăn vải tươi chỉ sau nhiều nhất là 48 tiếng.

Ảnh tác giả

“Trên 25 triệu hộ gia đình Việt Nam, dù ở bất kỳ đâu trên mảnh đất này, đều có thể mua cân vải và nhận quả vải tươi sau nhiều nhất là 48 tiếng. Trước đây, chỉ vua chúa mới có được may mắn này”

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Đồng thời, vào tháng 6 năm nay, sàn TMĐT Vỏ Sò cũng đã xuất khẩu thành công 3 tấn vải thiều Bắc Giang đạt tiêu chuẩn GlobalGAP sang CHLB Đức, đơn hàng này được thông quan thuận lợi tại sân bay Frankfurt.

Đây là lần đầu tiên nông sản Việt xuất khẩu sang thị trường châu Âu theo mô hình TMĐT xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT do Việt Nam phát triển và vận hành. Đây là thành công lớn của Vỏ Sò, và cũng mở ra một con đường khác và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Những khởi đầu thuận lợi trên sẽ giúp cho người dân, đặc biệt là người nông dân có niềm tin vào sàn TMĐT. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng kì vọng, sau vải thiều, những mặt hàng nông sản khác sẽ sớm xuất hiện trên sàn TMĐT và số lượng hộ gia đình mua bán trên sàn TMĐT sẽ tăng từ hàng chục triệu lên hàng trăm triệu trong tương lai không xa.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, năm nay, vụ vải ở Hải Dương và Bắc Giang có tổng sản lượng trên 340.000 tấn. Ngoài tiêu thụ trong nước, vải thiều đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc; các nước tại Đông Nam Á, khu vực Trung Đông... thông qua các hình thức, từ xuất khẩu truyền thống tới TMĐT xuyên biên giới.

Đáng chú ý, tại một số thị trường như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hà Lan,... giá bán ở mức rất cao, từ 350.000-450.000 đồng/kg.

Thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch

Những dấu hiệu khả quan từ xuất khẩu nông sản trên các sàn TMĐT năm qua đến từ sự phát triển không ngừng của thị trường TMĐT ở Việt Nam trong những năm qua. Theo tính toán của nhóm Google, Temasek và Bain&Company, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Hiện việc ứng dụng công nghệ số vào mua bán và xây dựng các kênh phân phối đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhằm vượt qua khó khăn và tìm cơ hội mới trong cuộc chạy đua hồi phục sau đại dịch.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội, việc mua sắm trên các nền tảng số đã ngày một phổ biến và dần trở thành thói quen mua hàng của một bộ phận lớn người tiêu dùng. Trước đó, theo khảo sát của Bộ Công Thương, tính đến năm 2020, Việt Nam đã có 49,3 triệu người tham gia mua sắm trực tuyến (so với năm 2016 chỉ có 32,7 triệu người). Con số này trong năm 2021 còn tăng cao hơn.

Trên phạm vi quốc tế, TMĐT xuyên biên giới đang ngày càng trở nên phổ biến tại các nước phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản,… và đang lan rộng sang các quốc gia đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á với những sàn TMĐT rất phổ biến trong khu vực như Lazada, Shopee.

Việt Nam cũng không chậm chân trong cuộc đua này. Theo bảng xếp hạng do Cổng thông tin thương mại điện tử iPrice phối hợp cùng SimilarWeb, AppsFlyer thực hiện, top 10 sàn TMĐT tại Đông Nam Á có số lượng truy cập lớn nhất năm 2020 có 5 cái tên đến từ Việt Nam gồm Thế Giới Di Động (đứng thứ 5), Tiki (vị trí thứ 6), Sendo (thứ 8), Bách hóa Xanh và FPT Shop (lần lượt đứng thứ 9 và 10).

Tuy khoảng cách lượt truy cập vẫn còn cách biệt lớn với 3 vị trí đầu là Shopee, Lazada (của Singapore) và Tokopedia (kỳ lân của Indonesia), nhưng những thống kê trên đây cũng có thể xem là một con số rất khả quan cho phát triển TMĐT của Việt Nam.

Bảng xếp hạng Top 10 sàn TMĐT tại Đông Nam Á của iPrice
Bảng xếp hạng Top 10 sàn TMĐT tại Đông Nam Á của iPrice

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.