Văn hoá riêng sẽ làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp

Văn hoá DOANH NGHIỆP
11:19 - 03/12/2022
Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022.
Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch tập đoàn Xây dựng Hoà Bình Lê Viết Hải, mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm văn hóa riêng, chất riêng đó sẽ là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. 

Ngày 3/12/2022, Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ hai năm 2022 với chủ đề: “Chấn hưng Văn hóa - nền tảng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững” đã diễn ra tại Hà Nội.

Diễn đàn tập trung các vấn đề chính như: Vai trò, tác động của chấn hưng văn hóa đến phát triển kinh tế bền vững; những bài học thực tiễn của doanh nghiệp Việt Nam về phát huy vai trò của văn hóa doanh nghiệp trong phục hồi và phát triển kinh tế, giải pháp nâng cao vai trò của văn hóa trong phục hồi và phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh hậu Covid-19, các xung đột địa-chính trị và suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay.

Trong thư gửi Diễn đàn, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau 5 năm triển khai cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”, tinh thần và ý nghĩa của cuộc vận động ngày càng được lan toả sâu rộng hơn trong cộng đồng doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp tham gia cuộc vận động và đăng ký “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá kinh doanh Việt Nam” tăng nhanh. Trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Việt Nam luôn nêu cao khát vọng, ý thức vì Việt Nam giàu mạnh, phát triển bền vững, giữ gìn uy tín trong kinh doanh, phát huy và bồi đắp giá trị văn hoá tốt đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp để đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của mình trong giai đoạn đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước”.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Deloitte Việt Nam cho biết, văn hóa tạo nên hình ảnh và thể hiện qua hình ảnh, thương hiệu đặc sắc của doanh nghiệp. Không bao giờ có hai công ty có cùng một bản sắc và giá trị văn hóa. Để cạnh tranh, đối thủ có thể sao chép nhiều thứ, từ chiến lược, sản phẩm, quy trình cho đến bí quyết công nghệ… song không thể sao chép được những giá trị văn hóa, tinh thần.

Theo bà Thanh, văn hóa kinh doanh có thể xem xét trên hai phương diện: Cách thức và mức độ chủ thể kinh doanh sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của họ; sản phẩm, dịch vụ, các giá trị văn hóa mà các chủ thể kinh doanh tạo ra trong hoạt động kinh doanh của họ. Chủ thể kinh doanh ở đây có thể quốc gia hoặc doanh nghiệp.

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, dù hiểu theo cách nào, văn hóa kinh doanh sẽ là yếu tố nội sinh từ bên trong doanh nghiệp, chịu tác động từ thể chế chính trị, thể chế kinh tế và thể chế văn hóa tại từng quốc gia, từng cộng đồng…

Văn hóa của doanh nhân - người đứng đầu chính là văn hóa liêm chính, bao gồm có ba phẩm chất: Tính kỷ luật, kỷ luật với bản thân, với giá trị mình theo đuổi, với mục tiêu của tổ chức; tính tuân thủ (tuân thủ pháp luật, để không bị ngã vào kinh doanh phi văn hóa); tính chính trực. Văn hóa liêm chính chính là thứ duy nhất doanh nhân không được ủy quyền, mà phải đi tiên phong, thực thi đầu tiên và trong mọi trường hợp.Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh

Ông Lê Viết Hải (Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình) nhận định, mỗi doanh nghiệp đều có những đặc điểm văn hóa riêng. Cái riêng đó sẽ là yếu tố chính làm nên thành công hay thất bại của một doanh nghiệp. Đối với quốc gia là sự phát triển, thịnh vượng, trường tồn hoặc suy yếu và tiêu vong.

Trong thời kỳ hội nhập, ông Lê Viết Hải cho rằng khi doanh nhân Việt Nam phát triển kinh doanh ra thị trường toàn cầu còn cần có những tiêu chí văn hóa kinh doanh phù hợp với giao thương quốc tế. Đó là những tiêu chí xem xét về đóng góp vào sự thịnh vượng chung của thế giới cũng như việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Vì vậy, ông Hải kiến nghị Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam bổ sung vào Bộ Tiêu chí Văn hóa Kinh doanh Việt Nam tiêu chí này. Cụ thể là 3 chỉ tiêu:

Doanh nghiệp Việt Nam có đóng góp trong việc phát minh, sáng chế các sản phẩm và dịch vụ chất lượng vượt trội, tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, phù hợp với các chỉ tiêu ESG (Environmental, Social, and Governance) cũng như xu hướng kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) của thế giới để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, phục vụ hiệu quả cho người tiêu dùng toàn cầu.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình.

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Xây dựng Hoà Bình.

Trong phát triển sản xuất kinh doanh ở bất cứ quốc gia nào, doanh nghiệp luôn cần quan tâm và có hành động cụ thể trong việc bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể và phi vật thể của quốc gia đó; có nhiều sáng kiến chung đóng góp vào việc bảo vệ và phát triển nền văn minh của nhân loại.

Qua hoạt động giao thương quốc tế, doanh nghiệp lan tỏa văn hóa kinh doanh đặc sắc của Việt Nam, văn hóa tốt đẹp của dân tộc, thể hiện lòng nhân hậu, đức hy sinh của người Việt Nam ra thế giới; đóng góp tích cực vào việc đem lại hòa bình cho nhân loại, có nhiều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của một đại sứ văn hóa và đại sứ hòa bình cho Việt Nam.

Ngày 26/9/2016, Thủ tướng Chính phủ về ra Quyết định số 1846/QĐ-TTg về việc lấy ngày 10/11 hàng năm làm Ngày Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam. Ngày 28/02/2018, Thủ tướng tiếp tục thành lập Ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (Ban Tổ chức 248).

Ngày 2/3/2021, Thủ tướng ra công văn giao Chủ tịch Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam - Trưởng ban Ban tổ chức 248 ban hành Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam.

Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam gồm 5 điều kiện bắt buộc: Không buôn lậu, không trốn thuế; Không sản xuất, kinh doanh hàng giả, sản phẩm độc hại; Không nợ lương và BHXH của người lao động; Không lừa đảo, lợi dụng hoặc làm hại các tổ chức, cá nhân khác; Không vi phạm pháp luật.

Các tiêu chí đánh giá mức độ đáp ứng của từng doanh nghiệp đối với Bộ tiêu chí gồm 5 nhóm: Lãnh đạo doanh nghiệp phát triển bền vững; Xây dựng và thực thi văn hóa doanh nghiệp; Thượng tôn pháp luật; Đạo đức kinh doanh; Trách nhiệm xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp