Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL chính thức hoạt động

NÔNG NGHIỆP ĐBSCL
11:35 - 28/03/2022
Ra mắt Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025, sáng 28/3. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
Ra mắt Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025, sáng 28/3. Ảnh: Báo Nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Để tiếp tục phát huy những lợi thế và khắc phục thách thức trong sản xuất nông nghiệp của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho ra mắt văn phòng điều phối nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của vùng.

Sáng 28/3, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2025 chính thức ra mắt tại thành phố Cần Thơ. Đây là sự hiện thực hóa quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giai đoạn 2020 - 2025 do Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan ký ngày 24/2.

Vốn là trung tâm lớn trong sản xuất nông nghiệp của cả nước, tuy nhiên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Do đó, việc đổi mới chính sách đất đai, mở rộng tín dụng và đẩy mạnh cho vay, phát triển nguồn nhân lực… là các giải pháp mà ngành NN&PTNT thời gian tới sẽ tập trung triển khai cho vùng.

Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng các cơ chế, chính sách thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT, đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Các giải pháp nâng cao hiệu quả điều phối phát triển vùng theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan

“Nội dung điều phối gồm mùa vụ sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu, nối kết cung cầu, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số cấp vùng. Bộ đưa vào hoạt động Văn phòng điều phối Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và tiếp theo sẽ là vùng Tây Nguyên, sau đó rút kinh nghiệm để tiếp tục tổ chức ở các vùng trọng điểm khác”.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2021, tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế địa phương (GRDP) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,6%; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp của vùng chiếm 32,2% GRDP toàn vùng và chiếm 31,37% GDP ngành nông nghiệp cả nước. Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều sản phẩm nông nghiệp chiếm sản lượng lớn của cả nước.

Để tiếp tục phát triển những lợi thế của vùng và khắc phục những thách thức trong sản xuất nông nghiệp, Văn phòng Điều phối nông nghiệp, nông thôn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hoá vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, văn phòng Điều phối cũng có trách nhiệm hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng, kết hợp hài hoà giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn.

Các liên kết được Ban Chỉ đạo xem là mục tiêu chính, gồm: Nguồn nước, hạ tầng, sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất tới chế biến, tiêu thụ. Liên kết khoa học công nghệ, thị trường, nguồn lực, đào tạo lao động. Qua đó tạo ra những sản phẩm nông sản cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh ở hầu hết các thị trường trên thế giới.

Trước đó, ngày 6/3, Bộ NN&PTNT cùng UBND các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết chương trình phối hợp về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu đến năm 2025, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng nông nghiệp, hạ tầng xã hội, giáo dục, nguồn nhân lực, tư duy liên kết vùng sẽ quyết định sự phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin liên quan

Đọc tiếp