VCBS dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ theo nhiều đợt

NGÂN HÀNG Việt nAM
14:05 - 12/09/2022
VCBS dự báo room tín dụng sẽ được phân bổ theo nhiều đợt
0:00 / 0:00
0:00
Quan điểm của chứng khoán VCBS là tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn duy trì ở mức 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3% cho từng đợt.

Tại báo cáo thị trường trái phiếu tháng 9/2022, chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, con số nâng phân bổ room tín dụng đối với một số ngân hàng là khá thấp so với các kỳ vọng của chuyên gia trên thị trường.

Theo đó, VCBS dự báo, mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 sẽ duy trì với mục tiêu 14% và được phân bổ theo nhiều đợt với khả năng 2-3%/đợt. Đồng thời các chuyên gia cũng lưu ý tới các động thái tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trên thị trường mở.

Theo VCBS, các thời điểm lãi suất liên ngân hàng tăng cao vượt lãi suất OMO dự báo sẽ diễn ra với tần suất cao hơn, ít nhất cho tới khi các kỳ họp xung quanh kỳ họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tháng 9 được hiện thực hoá. Xen giữa giai đoạn này, khối lượng tín phiếu trên thị trường mở sẽ dần đáo hạn, hỗ trợ thanh khoản có thể phần nào giúp thị trường hạ nhiệt.

Áp lực thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng trong ngắn hạn

Tại thời điểm cuối tháng 8, trước kỳ nghỉ lễ diễn ra 4 ngày, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh hơn. Chốt tháng, lãi suất các kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tháng được ghi nhận lần lượt ở 4,58%, 4,65%, 4,7%, 4.92% và 5,18%.

"Có thể thấy rõ trong giai đoạn này, nền kinh tế ghi nhận thách thức ổn định vĩ mô như áp lực tỷ giá chưa thể sớm hạ nhiệt, lạm phát kỳ vọng ở mức cao trong dài hạn khiến nhà điều hành tiếp tục có động thái thận trọng," chuyên gia BVSC nhận định.

Với ưu tiên chính sách hàng đầu là duy trì các yếu tố ổn định (kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá), chuyên gia cho rằng NHNN không thể quá mạnh tay trong việc duy trì trạng thái thanh khoản dồi dào trên thị trường.

Mặc dù vậy, công ty chứng khoán tin tưởng rằng áp lực thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng chỉ diễn ra trong ngắn hạn, mà không phản ánh khả năng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh (hoặc duy trì ở ngưỡng cao trong dài hạn). Trong tháng 8, VCBS quan sát thấy lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh vào cuối tháng, chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản trước kỳ nghỉ lễ.

Trên thị trường ngoại hối, những tháng gần đây tiếp tục chứng kiến xu hướng giảm giá của nhiều đồng tiền trên thế giới so với USD, và VND cũng không phải là ngoại lệ. Tính tới hết tháng 8, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2,9% so với cuối năm 2021.

Lãi suất huy động tăng 1-1,5 điểm %

Về mặt bằng lãi suất và chi phí vốn, theo chuyên gia VCBS, mặt bằng này sẽ cao hơn trong những tháng tới. Tiếp tục được hiện thực hóa trong tháng 8, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất huy động thêm 0,2-0,5 điểm % tùy kỳ hạn. Từ nay đến cuối năm, VCBS dự báo xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn theo đó mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1-1,5 điểm % cho cả năm 2022.

Trước đó, các chuyên gia của SSI Research cũng từng cho rằng, sau khi hạn mức tín dụng được nới, áp lực tăng lãi suất huy động trong nửa cuối năm 2022 là hiện hữu, do chênh lệch tăng trưởng tín dụng – tiền gửi hiện ở mức cao và tiền gửi từ Kho bạc Nhà nước có thể không còn dồi dào khi đầu tư công bắt đầu được đẩy mạnh.

Tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra dự báo, lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và có thể sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.

Theo VDSC, do lãi suất điều hành mang tính định hướng nên việc tăng mạnh lãi suất có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2023. Tuy nhiên, nếu kiềm giữ lãi suất điều hành thì áp lực từ bên ngoài vẫn rất lớn.

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng, Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) cũng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay – huy động sẽ tăng nhẹ trong quý III và năm 2022 trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.

Tuy nhiên điều đáng mừng là thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý II/2022 tiếp tục duy trì ở trạng thái “tốt” và được các tổ chức tín dụng đánh giá cải thiện so với thời điểm cuối quý I/2022 đối với cả VND và ngoại tệ.

Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng dự kiến tình hình thanh khoản trong quý III/2022 “cải thiện” ở mức độ cao hơn quý II/2022. Dự báo cả năm 2022, tình hình thanh khoản được kỳ vọng tiếp tục “cải thiện” so với năm 2021 đối với cả VND và ngoại tệ. Thanh khoản cải thiện là cơ sở để các nhà băng không tăng mạnh lãi suất huy động hơn nữa dù chịu nhiều sức ép.

Tin liên quan

Đọc tiếp