VCBS gợi ý chiến lược đầu tư cổ phiếu cho năm 2023

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
15:08 - 15/01/2023
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
0:00 / 0:00
0:00
Cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế nhiều khả năng sẽ ít chịu tác động tiêu cực, trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn đối diện với nguy cơ suy thoái trong năm 2023 .

Nhận định về bối cảnh vĩ mô trong báo cáo chiến lược 2023 cập nhật ngày 13/1, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đi đến hồi kết đặt ra thách thức lớn liên quan đến rủi ro địa chính trị.

Xu hướng các ngân hàng trung ương nâng lãi suất để ứng phó với lạm phát chưa chấm dứt, khi lạm phát vẫn đang tăng ở diện rộng nhóm hàng trong thời gian dài và khó hạ nhiệt hơn. Cùng với đó là xu hướng nợ công tăng đặc biệt ở một số quốc gia châu Âu, suy thoái và tăng trưởng chậm diễn ra ở nhiều nền kinh tế lớn.

Đối với Việt Nam, trong kịch bản cơ sở, lạm phát năm 2023 được dự báo mức khoảng 4,5%- 5%. Trong đó giai đoạn lạm phát dự báo đỉnh cùng mức tăng cao theo tháng có thể rơi vào giai đoạn Tết Nguyên đán trong quý 1/2023. Nguyên nhân chính là do cầu tiêu dùng nội địa ghi nhận tiếp tục tăng, điều chỉnh khung bán lẻ điện để phù hợp với giá cả đầu vào tăng, tăng lương cơ bản và lộ trình cải cách tiền lương.

Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn có trong tay một số công cụ và thể hiện quyết tâm ổn định mặt bằng giá đặc biệt giá lương thực, thực phẩm và lộ trình điều chỉnh giá của một số mặt hàng, dịch vụ công thiết yếu.

Điểm nhấn thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Điểm nhấn thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022.

Về lãi suất, VCBS cho rằng quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp diễn ít nhất cho tới tháng 6 năm 2023. Vì vậy, dư địa tăng với lãi suất cho vay trong nước tiếp diễn, tuy nhiên có độ trễ và mức tăng có thể thấp hơn lãi suất huy động khi được kiểm soát chặt chẽ từ nhà điều hành.

Điểm tích cực là việc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp điều hành về việc tiếp tục điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Theo đó, trong điều kiện thuận lợi, lãi suất điều hành có thể không tăng thêm trong năm 2023 và mặt bằng lãi suất kỳ vọng sau khi đạt đỉnh trong nửa đầu 2023 sẽ đi ngang và dần hạ nhiệt nửa cuối năm 2023.

Với việc đà tăng lãi suất của Fed nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục trong năm 2023 (dù mức độ tăng và tần suất có thể sẽ chậm lại so với nửa cuối năm 2022) thì thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ có xu hướng dao động đi ngang trong biên độ lớn về điểm số, với thanh khoản bình quân nhiều khả năng thấp hơn đáng kể so với 2022.

VCBS dự báo cụ thể như sau:

Chỉ số VN Index dao động trong vùng điểm số khoảng 900 – 1.200 điểm, với mức cao nhất của chỉ số có thể lên đến 1.250 điểm – tương đương giảm gần 18% so với mức đỉnh của năm 2022. Tuy nhiên, chỉ số cũng có thể có lúc rơi xuống khoảng 900 điểm trong bối cảnh Fed vẫn tiếp tục lộ trình tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023.

Khối lượng giao dịch bình quân trong năm 2023 có thể tương đương với mức bình quân trong những tháng cuối năm 2022 và đạt bình quân khoảng 600 - 650 triệu cổ phiếu mỗi phiên trên cả ba sàn, tương ứng giảm hơn 20-25% so với bình quân cả năm 2022. Giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên dự báo đạt khoảng 12.000 – 14.000 tỷ đồng một phiên trên cả ba sàn.

Chiến lược đầu tư

Theo VCBS, các cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất về thanh khoản cũng như vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ chịu ảnh hưởng nhất định bởi triển vọng kinh tế vĩ mô không quá khả quan trong năm 2023.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng với chất lượng dư nợ tín dụng tốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục nhận được phân bổ hạn mức tín dụng khả quan trong năm 2023 và theo đó tiếp tục duy trì được mạch tăng trưởng tích cực.

Việc cơ quan quản lý xử lý nghiêm các doanh nghiệp có sai phạm trong lĩnh vực bất động sản cùng với khả năng tiếp cận vốn vay khó khăn hơn, khiến cho triển vọng trong ngắn hạn của cả nhóm bất động sản nhà ở và bất động sản khu công nghiệp là kém khả quan.

Tuy nhiên xét về dài hạn, tiềm năng tăng trưởng của lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp vẫn là rất lớn đi cùng với quá trình mở rộng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa.

Tổng hợp lại các yếu tố, VCBS cho rằng trong giai đoạn này nhà đầu tư có thể sàng lọc ra những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đang ở chu kỳ bán hàng (chứ không phải ở giai đoạn triển khai dự án), có tỷ lệ vay nợ so với vốn chủ sở hữu thấp và lựa chọn thời điểm giải ngân khi thị trường hồi phục sau khi đã tạo lập thành công đáy trung hạn.

Danh sách các cổ phiếu triển vọng theo VCBS.

Danh sách các cổ phiếu triển vọng theo VCBS.

Cổ phiếu thuộc các ngành có tính chất “phòng thủ” với kết quả kinh doanh ít phụ thuộc hơn vào chu kỳ kinh tế so với các ngành khác nhiều khả năng cũng sẽ ít chịu tác động tiêu cực trong viễn cảnh các nền kinh tế lớn và cũng là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đối diện với nguy cơ suy thoái kinh tế trong năm 2023. Mặt khác, đây đều là các nhóm ngành đã có sự phục hồi nhất định từ giữa năm 2022 sau khi Việt Nam kết thúc giai đoạn giãn cách xã hội.

Trong bối cảnh hiện tại trên thị trường chứng khoán Việt Nam, VCBS cho rằng những cổ phiếu như vậy sẽ nghiêng nhiều hơn về nhóm vận tải, công nghệ thông tin & viễn thông và các ngành tiện ích như thủy điện, nhiệt điện, cấp nước…

Ngoài ra, nhóm phân tích cho rằng nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những cổ phiếu có dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh duy trì ổn định và có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt so với giá thị trường cổ phiếu cao hơn so với lãi suất tiết kiệm. Đây thường sẽ là các doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước và dùng một tỷ lệ lớn lợi nhuận sau thuế hàng năm để chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Tin liên quan

Đọc tiếp