Một góc Nghĩa trang Trường Sơn, dịp 27/7. Ảnh: Phương Thảo.

'Về nguồn' ở vùng đất nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước

quảng trị BỘ KH&ĐT
11:15 - 27/07/2022
Hàng năm đến ngày 27/7, cả nước lại hướng về các liệt sỹ, thương bệnh binh đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc. Trong đó không thể không nhắc đến chiến trường khốc liệt 81 ngày đêm trên Thành cổ Quảng Trị, nơi có hàng ngàn anh linh liệt sĩ nằm lại.

Chiến tranh đã lùi xa, các thế hệ người dân Quảng Trị vẫn luôn mang trong mình sự tự hào, đã từng sống trên “chảo lửa” tuyến đầu kháng chiến chống Mỹ năm xưa. Cả tỉnh hiện có hơn 400 di tích chiến tranh, 72 nghĩa trang liệt sỹ với gần 60.000 liệt sỹ an nghỉ. Đặc biệt, Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, có trên 21.000 liệt sỹ an nghỉ, khiến Quảng Trị thực sự như một bảo tàng chứng tích chiến tranh và là địa chỉ đỏ để các thế hệ về nguồn, giáo dục lòng yêu nước.

Giữa cái nắng cháy da cháy thịt tại Nghĩa trang Trường Sơn, dòng người vẫn đang đổ về nhộn nhịp những ngày này, để thắp những nén nhang tri ân lên bia mộ các liệt sỹ, tụng kinh cầu siêu cho anh linh những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc.

“Tội lắm cô ạ, nghĩa trang rộng quá, khách đến thắp hương chẳng hết được, những mộ ở xa có khi chẳng được nén nhang nào…”, một người dân địa phương thấy đoàn khách từ Bắc vào chia sẻ. Câu nói còn đọng lại dưng dưng trong tâm trí người viếng nghĩa trang trước sự đau thương của chiến tranh dù đã lùi xa nhiều thập kỷ.

Người dân đi viếng Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Phương Thảo.

Người dân đi viếng Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang Trường Sơn. Ảnh: Phương Thảo.

Nhân dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2022), Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn đầu cùng với Quỹ Hỗ trợ cộng đồng Đinh Thiện Lý đã có nhiều hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ và tặng quà các gia đình thương binh, nạn nhân chất độc màu da cam, người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã trao tặng 191 xe lăn và xe lắc tình thương cho Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em, tặng quà cho thương binh, bệnh binh và người khuyết tật; thăm và tặng quà cho 40 gia đình chính sách tại tỉnh Quảng Trị, với tổng số tiền gần 300 triệu đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã trao tặng 191 xe lăn và xe lắc cho Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, gia đình thương, bệnh binh. Ảnh: MPI.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Đoàn công tác đã trao tặng 191 xe lăn và xe lắc cho Hội người khuyết tật, nạn nhân da cam, gia đình thương, bệnh binh. Ảnh: MPI.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, các hoạt động Kỷ niệm ngày 27/7 nhằm tri ân những người đã hy sinh, đóng góp máu xương cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cũng là dịp để chia sẻ một phần khó khăn với các thương bệnh binh, gia đình chính sách, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở thế hệ trẻ không bao giờ quên những công lao, đóng góp hy sinh mất mát để có được cuộc sống như ngày hôm nay.

Cũng trong chuỗi hoạt động này, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị, CTCP Tập đoàn T&T tổ chức Lễ khánh thành Giai đoạn II, Dự án Chỉnh trang cảnh quan và cây xanh khu trung tâm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn vào ngày 23/7.

Dự án Chỉnh trang cảnh quan và cây xanh khu trung tâm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn được thực hiện nhằm tri ân, tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ sau.

Với việc khánh thành giai đoạn II Dự án Chỉnh trang cảnh quan, cây xanh tại Nghĩa trang Trường Sơn đồng bộ với giai đoạn I đã đi vào hoạt động từ 30/4, góp phần tạo nên khuôn viên nghĩa trang thể hiện tấm lòng tạo tri ân các liệt sỹ.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về chuỗi các hoạt động tri ân trên vùng đất Quảng Trị, bà Lê Thị Tường Thu, Chủ tịch Công đoàn Bộ KH&ĐT cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn là cơ quan tham mưu, tổng hợp chiến lược của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các công tác xã hội, trong đó có chăm sóc những người có công với cách mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, người từng có thời gian công tác trong lực lượng công binh của quân đội nhân dân Việt Nam, cũng có sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động xã hội và các hoạt động tri ân thương binh liệt sỹ.

Thông qua chuỗi hoạt động về Quảng Trị lần này, ông muốn gửi gắm sự tri ân các anh hùng liệt sỹ và có sự quan tâm đến thân nhân các gia đình có công cách mạng, giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ tiếp bước của Bộ KH&ĐT hiểu được truyền thống của cha ông để sống và làm việc xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Phương Thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và đoàn công tác tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Phương Thảo.

Công đoàn Bộ KH&ĐT cũng đã dành nhiều thời gian chuẩn bị trong suốt một tháng qua để kết nối với các địa phương và các đầu mối rà soát những đối tượng với các cơ quan Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh, Hội Bảo trợ người khuyết tật và làm việc với các nhà tài trợ để xây dựng chương trình nhân dịp 27/7 này.

Số lượng công chức, viên chức của Bộ tham gia chuyến đi về Quảng Trị lần này lên đến trên 120 người, từ lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo các đơn vị, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh góp phần tạo nên văn hóa yêu thương chia sẻ nhân văn với các hoạt động xã hội.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tặng quà cho các chiến sỹ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Phương Thảo.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tặng quà cho các chiến sỹ trên đảo Cồn Cỏ. Ảnh: Phương Thảo.

Trong chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn cũng đã thăm và làm việc tại đảo Cồn Cỏ, hòn đảo tiền tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia còn nhiều khó khăn về điện, nước và tổ chức dân cư. Chia sẻ với những khó khăn của người dân đang gặp phải, Bộ trưởng KH&ĐT chỉ ra, khó khăn lớn nhất của Cồn Cỏ là quy hoạch điện và nước. Tài sản quý nhất của đảo là thiên nhiên nếu xâm phạm là hỏng ngay hệ sinh thái và điều kiện tự nhiên.

“Đảo nhỏ nên không thể phát triển quá lớn về du lịch sẽ phá vỡ hạ tầng, do đó cần có tính toán sao cho hài hòa, hợp lý đảm bảo bền vững, đảm bảo kết hợp tốt với an ninh quốc phòng. Tỉnh Quảng Trị nói chung và huyện đảo Cồn Cỏ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và cần tiếp tục phát huy các kết quả tốt đẹp đó”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước. Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tĩnh.

Thành cổ Quảng Trị 50 năm trước. Ảnh tư liệu: Đoàn Công Tĩnh.

Quảng Trị 1972 - khúc trường ca bi hùng

Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu. Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị, để rồi hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi”.

Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972 giải phóng tỉnh Quảng Trị và cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm là bản hùng ca bất tử trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam.

Trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9/1972, hai bên giằng co từng mét đất, từng ngôi nhà. Bom đạn đã phá hủy hoàn toàn thị xã Quảng Trị. Thành cổ cũng bị phá nát hoàn toàn. Hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong trận chiến khốc liệt này. Quảng Trị không còn là địa danh của một địa phương mà đã thành một biểu tượng chung, niềm tự hào chung về một thời hào hùng của một dân tộc anh hùng. Một vùng đất đẫm máu xương và nặng nghĩa ân tình với nhân dân cả nước.

Đọc tiếp