Vì sao Donbass trở thành trung tâm xung đột Nga - Ukraine

Vì sao Donbass trở thành trung tâm xung đột Nga - Ukraine

Donbass NGA
06:05 - 25/04/2022
Hai vùng Donetsk và Luhansk gọi chung là Donbass bao phủ phần lớn miền Đông Ukraine. Nơi này đã trở thành chiến trường ác liệt kể từ năm 2014 khi ly khai khỏi Ukraine và đang tiếp tục là tâm điểm giao tranh trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

Sau hơn 50 ngày đêm giao tranh kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, hiện vùng Donbass đang trở thành chiến địa trung tâm. Cả lực lượng Nga và Ukraine đều tăng cường huy động vũ khí và quân đội của mình nhằm kiểm soát hoàn toàn khu vực này, khiến hy vọng về việc giao tranh sớm kết thúc đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Trước thời gian giữa thế kỷ XVII, Donbass nằm dưới sự cai trị của người Cossack và Hãn quốc Krym. Sau đó, Đế chế Nga khi đó chinh phục Hetmanshchyna và Hãn quốc Crimean, do đó Donbas trở thành một phần của lãnh thổ Nga.

Sau Nội chiến Nga 1917-1922, Nga đã nhượng bộ Ukraine bằng cách cắt Donbass bao gồm cả đất và người Nga sinh sống trên đó để sát nhập vào Ukraine. Năm 1991, khi Liên Xô tan vỡ và Ukraine trở thành quốc gia độc ​​lập thì vùng đất Donbas theo đó cũng trở thành lãnh thổ của Ukraine.

Tới tháng 3/2014, sau khi Chính phủ Ukraine có một số chính sách không có lợi cho người Nga sinh sống ở Ukraine, căng thẳng đã nổ ra, đặc biệt là tại Donbass, nơi tập trung đông người gốc Nga sinh sống.

Chiến sự nổ ra từ 2014 sau khi lực lượng nổi dậy chiếm giữ các tòa nhà chính phủ Ukraine ở các thị trấn và thành phố trên khắp Donbass. Sau đó Ukraine mất quyền kiểm soát hai khu vực của Donbass là Luhansk và Donetsk do rơi vào tay lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Cũng trong năm 2014, Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, bất chấp các lệnh trừng phạt quốc tế.

Hai khu vực do quân ly khai kiểm soát ở Donbass tự xưng thành hai nước cộng hòa là Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR) và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR). Trong khi đó, Chính phủ Ukraine cáo buộc rằng 2 khu vực này trên thực tế "nằm dưới sự chiếm đóng của Nga". Thời điểm sau năm 2014, hai nước cộng hòa tự xưng nói trên cũng không được chính phủ nào công nhận, kể cả Nga. Trong khi đó, Chính phủ Ukraine luôn từ chối đối thoại trực tiếp với hai nước cộng hòa ly khai.

Sau đó, Thỏa thuận Minsk II ký năm 2015 đã dẫn đến một thỏa thuận ngừng bắn tại Donbass và xung đột tại đây giữa quân ly khai và Ukraine chuyển thành “cuộc chiến tĩnh”. Giao tranh chỉ xảy ra dọc theo Đường liên lạc phân chia các khu vực do chính phủ Ukraine kiểm soát và các khu vực do phe ly khai kiểm soát. Các Thỏa thuận Minsk vốn được đặt tên theo thủ đô của Belarus, nơi thỏa thuận được ký kết, có điều khoản nghiêm cấm các loại vũ khí hạng nặng được triển khai gần Đường liên lạc này ở Donbass, tránh chiến tranh bùng nổ quy mô lớn.

Sau hơn 7 năm, đến ngày 21/2/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của hai thực thể tự xưng ở Donbass là Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk. Điều này có thể mở đường cho Moscow công khai gửi quân đội vào Donbass với lập luận là đồng minh, giúp bảo vệ Donbass trước các vụ tấn công của Ukraine. Đồng thời, Nga có quyền xây dựng các căn cứ quân sự ở Donbass.

Người ủng hộ Nga ở Donetsk vui mừng với quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2, công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là các thực thể độc lập. Ảnh: REUTERS
Người ủng hộ Nga ở Donetsk vui mừng với quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/2, công nhận hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine là các thực thể độc lập. Ảnh: REUTERS

Với Nga, Donetsk và Luhansk là “vùng đệm” quan trọng đối với an ninh trong bối cảnh NATO tìm cách mở rộng ảnh hưởng về phía đông. Công nhận độc lập cho Donetsk và Luhansk cũng giúp Nga “đường đường chính chính” đưa lực lượng gìn giữ hòa bình tới miền đông Ukraine, bảo vệ những người gốc Nga sống tại đây.

Đặc biệt, kiểm soát toàn bộ khu vực Donbass sẽ tạo ra một hành lang trên bộ, chạy dọc theo bờ biển phía tây nam Donetsk tới Crimea tới bán đảo Crimea. Nếu Nga kiểm soát được khu vực lớn này sẽ mang tới cho Điện Kremlin một số thành quả hữu hình từ chiến dịch.

Với Ukraine, Donbass là một phần lãnh thổ, là cửa ngõ quan trọng. Việc Donbass tuyên bố độc lập gây ra sự gián đoạn cho Ukraine, cắt đứt các liên kết giao thông quan trọng và chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra các rủi ro chính trị làm tăng chi phí đi vay và ngăn cản các nhà đầu tư ở phần còn lại của đất nước.

Đặc biệt, nếu Ukraine để Nga giành chiến thắng ở Donbass, Nga có thể dễ dàng mở rộng cuộc tấn công trên khắp Ukraine.

Donbass vốn được xem là trung tâm công nghiệp quan trọng của Ukraine. Bản thân cái tên Donbass cũng được bắt nguồn từ cụm từ "Bể than Donets", với triển vọng phát triển sản xuất 40 loại nguyên liệu thô. Sự gia tăng sản xuất thép và kim loại cũng như việc tạo ra các tuyến đường sắt và sự phát triển của ngành vận tải biển ở thành phố cảng Mariupol càng giúp Donbass phát triển mạnh. Từ đó vùng đất này trở thành trung tâm công nghiệp năng động, đa dạng, không còn đơn thuần chỉ là nơi khai thác than.

Mặc dù việc khai thác than hàng năm đã giảm kể từ những năm 1970, Donbass vẫn là một nhà sản xuất than hàng đầu với tư cách là một trong những nơi có trữ lượng than lớn nhất ở Ukraine, ước tính khoảng 60 tỷ tấn.

Các ngành công nghiệp khác trong khu vực Donetsk bao gồm sản xuất lò cao và thiết bị luyện thép, toa chở hàng đường sắt, máy cắt kim loại, máy đào hầm, máy thu hoạch nông nghiệp và hệ thống máy cày, đường ray, toa khai thác, đầu máy điện, xe quân sự, máy kéo và máy xúc.

Ngoài ra, khu vực này cũng sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như máy giặt gia dụng, tủ lạnh, tủ đông, TV, giày da và xà phòng vệ sinh. Hơn một nửa sản lượng của nó được xuất khẩu, và khoảng 22% được xuất khẩu sang Nga.

Sau hơn 50 ngày đêm giao tranh, Nga và Ukraine đang hướng tới một trận chiến lớn ở khu vực miền Đông Donbass. Cả hai bên đều tăng cường huy động vũ khí và quân đội của mình, khiến hy vọng về việc giao tranh sớm kết thúc trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Ông Franz-Stefan Gady - nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London nhận định: “Đây sẽ là một trận chiến quy mô lớn với hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu. Cuộc chiến sẽ cực kỳ khốc liệt. Phạm vi của các hoạt động quân sự về cơ bản sẽ khác biệt so với bất cứ điều gì mà khu vực đã chứng kiến trước đây”.

Về phía Ukraine, ngày 17/4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố Kiev không chấp nhận từ bỏ lãnh thổ ở phía đông nước này để chấm dứt chiến tranh, và nếu cần Ukraine sẽ chiến đấu với Nga "trong 10 năm" nữa.

Tổng thống Ukraine nói Kiev sẵn sàng kháng cự cứng rắn khi đối mặt với bất cứ cuộc tấn công quy mô lớn nào sắp diễn ra ở miền Đông nước này. Ông Zelensky cũng cho biết không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ không tìm cách kiểm soát thủ đô Kiev một lần nữa, sau khi Matxcơva có được vùng Donbass ở miền đông Ukraine.

"Chính vì thế, một điều rất quan trọng đối với Ukraine là không cho phép Nga đạt mục đích, đồng thời giữ vững lập trường của chúng tôi, bởi vì trận chiến này (ở Donbass) có thể ảnh hưởng đến tiến trình của cả cuộc chiến", ông Zelensky nói thêm.

Đối với Ukraine, cuộc chiến tại Donbass sẽ rất tốn kém nhưng lại mang tính quyết định. Các ưu tiên cho trận chiến ở Donbass sẽ khác biệt so với việc phòng thủ ở đô thị. Tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không di động là những vũ khí không thể thiếu. Tuy nhiên, Ukraine cũng cần đến một số lượng lớn các loại đạn dược để nhắm vào hệ thống phòng không và pháo của đối phương, tạo cơ hội cho trực thăng tiếp tế cho các đơn vị bị cô lập.

Giới phân tích cho rằng, tỷ lệ tổn thất về vũ khí của Ukraine tại Donbass có thể sẽ cao hơn giai đoạn đầu của cuộc xung đột và nếu Kiev sẵn sàng cho một cuộc chiến đi xa hơn Donbass thì họ sẽ phải điều động lại nhiều đơn vị của mình

Binh sỹ Ukraine mang tên lửa chống tăng trong một cuộc tập trận ở miền Đông Ukraine ngày 15/2. Ảnh: AP
Binh sỹ Ukraine mang tên lửa chống tăng trong một cuộc tập trận ở miền Đông Ukraine ngày 15/2. Ảnh: AP
Một binh sỹ Ukraine sử dụng súng máy tại Donetsk. Ảnh: Reuters
Một binh sỹ Ukraine sử dụng súng máy tại Donetsk. Ảnh: Reuters

Ngàu 18/4, giới chức cấp cao Ukraine tuyên bố 'giai đoạn 2 của cuộc chiến' đã bắt đầu với những đợt tấn công mới của Nga nhằm vào Donbas. “Quân đội Nga đã bắt đầu cuộc chiến ở vùng Donbass, mà họ đã chuẩn bị trong một thời gian dài. Một lượng đáng kể binh sĩ Nga đã tập trung vào cuộc tấn công này”, hãng tin CNN dẫn lời ông Zelensky nói trong video.

Về phía Nga, hiện Bộ Quốc phòng Nga không đưa ra bình luận nào về các hoạt động quân sự tại khu vực Donbass. Tuy nhiên, các phóng viên chiến trường cho biết đã ghi nhận các trận giao tranh lớn ở phía nam Izyum, phía bắc Severodonetsk và Popasna ở vùng Luhansk và phía tây thành phố Donetsk. Ngoài ra, cũng có thông tin về các cuộc tấn công bằng pháo và tên lửa ở Kharkov, Nikolaev và khu vực Donetsk.

Mặc dù có nhiều lợi thế ở mặt trận phía Đông, nhưng quân đội Nga có thể đối mặt với những thách thức khác. Ông Frederick W. Kagan – chiến lược gia tại Viện chiến lược Mỹ nhận định, sau khi rút khỏi khu vực phía Bắc, các lực lượng của Nga cần thời gian để tái tập hợp nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến mới. Việc triển khai quá vội vã có thể khiến các binh sỹ hao tổn sức lực.

Bên cạnh đó, các lực lượng Nga có thể gặp phải một số vấn đề về giao thông. Mưa xuân sẽ khiến phần lớn địa hình tại Donbass bị ngập trong bùn, gây khó khăn cho việc di chuyển. Đây không phải thách thức với riêng Nga mà còn cả với các lực lượng của Ukraine. “Hệ thống đường sá ở khu vực phía Đông kém hơn nhiều so với mạng lưới đường sá ở xung quanh Kiev”, ông Kagan nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại Donbass, Nga sẽ phải chiến đấu với Lực lượng hỗn hợp Ukraine (JFO), trong đó có một số đơn vị chuyên nghiệp nhất và cơ động nhất nước này. Phía Nga có lợi thế về hỏa lực, nhưng sẽ phải giao tranh với các lực lượng của đối phương có quân số ngang ngửa.

Đọc tiếp