Vì sao Mỹ không thể giúp châu Âu 'cai' được dầu Nga

NĂNG LƯỢNG MỸ
05:42 - 29/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Khi giá xăng dầu tăng mạnh khiến lợi nhuận của các công ty năng lượng tăng theo, việc châu Âu muốn ngừng sự phụ thuộc vào năng lượng Nga tạo ra thời cơ tốt để Mỹ tăng sản lượng. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp dầu mỏ tại Mỹ lại không mặn mà với việc này.

Sau khi thế giới bắt đầu quá trình hồi phục sau đại dịch, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng hơn 2% lên mức 11,8 triệu thùng/ngày từ tháng 12. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức đỉnh 13,1 triệu thùng hồi tháng 3/2020. Thêm vào đó, theo dự đoán từ chính phủ Mỹ, sản lượng dầu quốc gia sẽ chỉ đạt trung bình 12 triệu thùng/ngày trong năm 2022 và tăng nhẹ lên 13 triệu thùng vào năm 2023. Để bổ sung được cho châu Âu nếu không có nguồn cung từ Nga, con số này vẫn còn cần tăng lên 4 triệu thùng bổ sung nữa.

Theo nhận định của ông David Braziel, giám đốc điều hành của RBN Energy, Mỹ hoàn toàn có khả năng xuất khẩu hơn 6 triệu thùng dầu mỗi ngày, gần gấp đôi mức xuất khẩu hiện nay. Vào năm 2027, việc tăng cường sản xuất sẽ giúp nước này đạt công suất 16 triệu thùng/ngày - tương đương với 4 triệu thùng bổ sung - với giả định giá dầu duy trì ở mức cao và lượng đầu tư gia tăng.

Tuy nhiên, theo tờ New York Times, sản lượng dầu của các công ty năng lượng Mỹ từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự hôm 24/2 tới hiện tại về cơ bản không thay đổi. Hơn nữa, tình trạng này còn có khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong vòng ít nhất là 1 tới 2 năm tới. Vì vậy nếu châu Âu ngừng mua dầu khí của Nga như các nhà lãnh đạo Mỹ đã hứa, khu vực này sẽ không thể thay thế số năng lượng còn thiếu đó bằng nguồn cung từ Washington.

Theo nhận định của các chuyên gia, lý do lớn nhất khiến các công ty năng lượng Mỹ và các nhà đầu tư ở Phố Wall không tăng sản lượng chính là lợi nhuận. Các nhà đầu tư này không chắc chắn rằng giá sẽ duy trì ở mức cao đủ lâu để các giếng khoan mới đem lại lợi nhuận. Trong khi đó, bài học kinh nghiệm từ 2 năm trước vẫn chưa phai mờ trong tâm trí nhiều người, khi giá dầu lao dốc đột ngột khiến nhiều công ty phải đóng cửa hàng loạt giếng khoan.

Tàu chở dầu thô Eagle Ford ra khỏi bến NuStar Energy tại Cảng Corpus Christi ở Texas, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Tàu chở dầu thô Eagle Ford ra khỏi bến NuStar Energy tại Cảng Corpus Christi ở Texas, Mỹ. Ảnh: Getty Images

Lợi nhuận là lý do lớn nhất

Các giám đốc điều hành tại 141 công ty khai thác dầu Mỹ hồi giữa tháng 3 đã đưa ra một số lý do khiến họ không tăng sản lượng dầu. Tuy nhiên, lý do lớn nhất được hơn 60% giám đốc đưa ra chính là do các nhà đầu tư không muốn các công ty sản xuất nhiều dầu hơn nữa, do lo ngại giá dầu cao sẽ chấm dứt khi nguồn cung tăng.

Ông Ben Shepperd, chủ tịch Hiệp hội Dầu khí Permian Basin ở Midland, Texas cũng khẳng định tâm lý này, khi cho biết các công ty sẽ chỉ triển khai khoan thêm các giếng dầu nếu các dấu hiệu thị trường cho thấy giá dầu có thể ở mức 75 USD/thùng trong 3 năm tới. Khảo sát của FED tại Dallas đã cho thấy các công ty Mỹ cần giá dầu duy trì ở mức trung bình 56 USD/thùng để có thể hòa vốn, nhưng với tình hình hiện tại, nhiều người lo ngại rằng giá dầu sẽ giảm xuống chỉ còn 50 USD vào cuối năm nay.

Ngoài các kịch bản này, thị trường vẫn còn quá nhiều biến số có thể khiến giá dầu giảm nhanh chóng. Các kịch bản này có thể bao gồm việc Nga rút lui khỏi Ukraine và kết thúc chiến dịch quân sự hay một thỏa thuận hạt nhân với Iran. Việc Trung Quốc duy trì các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại nghiêm ngặt do Covid-19 cũng gây ra nguy cơ kìm hãm nền kinh tế nội địa, giảm tốc độ tăng trưởng toàn cầu và từ đó gây ra sự sụt giảm trong nhu cầu năng lượng.

Các công ty dầu mỏ của Mỹ cũng không đơn độc. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới như Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các thành viên khác của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC cũng đều từ chối bơm thêm dầu vào thị trường.

Cơ sở dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters

Cơ sở dự trữ dầu thô của Mỹ tại Cushing, Oklahoma, Mỹ. Ảnh: Reuters

Nhiều lý do khác khiến các công ty Mỹ không tăng sản lượng

Lý do đầu tiên trong danh sách chính là đại dịch Covid-19 khi tình hình dịch bệnh kéo dài đã gây ra tình trạng thiếu nhân công. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất nằm ở bài học kinh nghiệm 2 năm trước khi giá dầu giảm mạnh hơn 50 USD xuống mức dưới 0 USD chỉ trong một ngày.

Động thái này từ thị trường đã khiến các nhà sản xuất không còn nơi dự trữ số dầu ế ẩm. Cổ phiếu của tập đoàn năng lượng khổng lồ Exxon Mobil còn sụt giảm mạnh tới mức bị đẩy ra khỏi chỉ số Dow Jones. Ngoài Exxon Mobil, các công ty năng lượng khác cũng bị buộc phải sa thải hàng nghìn nhân viên và một số thậm chí còn phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

Ngoài ra, các công ty này cũng đang ở trong tình trạng thiếu cát – nguyên liệu được sử dụng để hút dầu ra khỏi đá phiến. Tình hình lạm phát cũng khiến nhiều nhà sản xuất dầu mỏ giữ thái độ cảnh giác với việc tăng sản lượng. Theo RBN Energy, một công ty nghiên cứu ở Houston, chi tiêu cho hoạt động thăm dò và sản xuất sẽ tăng hơn 20% trong năm nay nhưng khoảng 2/3 trong số đó sẽ thuộc về chi phí lao động, vật liệu và dịch vụ khác.

Thêm vào đó, xu hướng xanh hóa toàn cầu chỉ càng khiến các nhà đầu tư chần chừ hơn với cổ phiếu dầu khí. Theo đại diện của các công ty dầu mỏ lớn, phố Wall không còn quan tâm tới việc tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới nữa. Thay vào đó, một số nhà đầu tư lại chọn lĩnh vực năng lượng tái tạo hay ô tô điện – các lĩnh vực được tin là có tương lai dài hạn và tươi sáng hơn.

Cuộc chiến lợi ích giữa việc gia tăng sản lượng dầu khí nội địa và chi phí môi trường của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ không biến mất trong tương lai gần. Nhiều giám đốc điều hành bày tỏ sự lo ngại rằng chính quyền Tổng thống Biden sẽ đổi ý và thúc đẩy việc cắt giảm sử dụng dầu và khí đốt một khi giá năng lượng giảm.

Ông Kirk Edwards, giám đốc điều hành của Latigo Petroleum, một nhà sản xuất ở Tây Texas, cho biết: “Trong Ngày Trái đất, tổng thống nói rằng chúng ta cần phải loại bỏ dầu mỏ. Đồng thời, ông ấy lại thúc đẩy các nhà sản xuất phải tăng sản lượng thêm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày cho châu Âu”. Ông khẳng định cả hai việc này không thể xảy ra ở cùng một thời điểm.

Đọc tiếp