Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá gạo xuất khẩu

Gạo XUẤT KHẨU
14:08 - 07/09/2022
Tăng giá gạo sẽ giúp hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
Tăng giá gạo sẽ giúp hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Trước thông tin Thái Lan và Việt Nam cùng hợp tác tăng giá gạo, Bộ NN&PTNT khẳng định Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường về giá và luôn thực hiện trách nhiệm với vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Trước thông tin Thái Lan mong muốn hợp tác với Việt Nam để tăng giá gạo do tờ Bangkok Post đưa ra hồi cuối tháng 8, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam ngày 6/9, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do nên tuân thủ đúng theo quy định của các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết.

Đối với vấn đề giá lúa gạo, Việt Nam cam kết tuân theo quy luật thị trường và luôn thực hiện trách nhiệm đối với vấn đề an ninh lương thực.

Dự báo về thị trường trong thời gian tới, ông Cường cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,19 triệu tấn, tương đương giá trị hơn 2 tỷ USD, tăng 20,5% về lượng và 9% giá trị so với cùng kỳ 2021. Đây là mức xuất khẩu cao kỷ lục từ trước đến nay.

Tuy nhiên, bước sang đầu tháng 8/2022, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bất ngờ giảm mạnh, thấp hơn giá gạo của Thái Lan.

“Giá gạo Việt Nam giảm trong tuần qua do chất lượng của vụ thu hoạch này chỉ ngang bằng với gạo Thái Lan và Ấn Độ, vốn có mức giá rẻ hơn. Tuy nhiên, giá có khả năng sẽ không giảm thêm vì nhu cầu toàn cầu vẫn mạnh, trong khi nguồn cung từ vụ thu hoạch Hè Thu ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm”, Cục trưởng Cục Trồng trọt dự báo.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động phương án xuất khẩu gạo và tận dụng những lợi thế hiện có, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ/ngành liên quan, cập nhật những diễn biến về thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

“Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị; đồng thời phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Với triển vọng từ đầu năm đến nay, hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu sản lượng xuất khẩu gạo đạt 6,5 – 6,7 triệu tấn", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước đó, tờ Bangkok Post của Thái Lan đưa tin, Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan Chalermchai Srion đưa ra mong muốn hợp tác với Việt Nam để có thể nâng giá gạo trong thời gian tới. Thái Lan cùng với Việt Nam là hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và thứ ba thế giới, xếp sau Ấn Độ. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu 19,55 triệu tấn gạo, trong khi Việt Nam và Thái Lan xuất khẩu lần lượt 6,24 triệu tấn và 6,12 triệu tấn.

Trong năm 2022, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, với gần 4 triệu tấn đã được xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp Thái Lan chỉ ra rằng, nông dân trồng lúa đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng giá gạo trên thị trường toàn cầu chỉ thay đổi nhẹ.

Trong khi đó, ông Pramot Charoensin, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan cho biết, chi phí sản xuất gạo ở Thái Lan hiện đã tăng gần gấp đôi, ở mức từ 7.500 baht đến 8.000 baht/tấn, so với mức chỉ từ 4.500 baht đến 5.000 baht/tấn cách đây hai năm.

Theo ông Charoensin, Việt Nam đang ở trong tình trạng tốt hơn Thái Lan vì chi phí lao động thấp hơn. Cụ thể, chi phí sản xuất gạo của Việt Nam chỉ vào khoảng 100 USD (tương đương 3.600 baht) cho mỗi tấn gạo. Tuy nhiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng trong những tháng tới do chi phí tăng và điều kiện thời tiết xấu ở một số quốc gia trồng lúa.

“Nông dân trồng lúa đang cần sự hỗ trợ từ chính phủ để cắt giảm chi phí sản xuất và có được giá gạo công bằng hơn”, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan kiến nghị.

Trước tình hình đó, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan, nước này có kế hoạch để giúp nông dân trồng lúa không còn phải đối phó với giá gạo bất công trên thị trường toàn cầu, bằng cách hợp tác với Việt Nam.

“Về lâu dài, hai nước sẽ đề nghị Ấn Độ và nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác tăng cường hợp tác, thay vì cạnh tranh, để điều tiết giá gạo xuất khẩu ở mức hợp lý. Qua đó một mặt hỗ trợ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu, mặt khác bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Thúc đẩy giá gạo xuất khẩu ở mức công bằng hơn là nhiệm vụ và trách nhiệm của tất cả các quốc gia xuất khẩu”, ông Chalermchai Srion khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Vinhomes Royal Island khuynh đảo thị trường

Với việc ra mắt chính thức siêu phẩm Thành phố đảo Hoàng gia trên “chợ trực tuyến” Vinhomes Market, Vinhomes mở ra một hướng đi mới cho thị trường bất động sản, đặc biệt là trong bối cảnh giao dịch trực tuyến đang là xu hướng chủ đạo với mọi lĩnh vực.