Việt Nam chiếm 6/10 công ty chứng khoán vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
07:54 - 06/12/2021
 Việt Nam chiếm 6/10 công ty chứng khoán vốn hoá lớn nhất Đông Nam Á
0:00 / 0:00
0:00
Toàn Đông Nam Á, số lượng công ty chứng khoán có vốn hóa tỉ USD không có nhiều, chiếm lĩnh 3 vị trí dẫn đầu đều là những công ty đến từ Việt Nam.

Theo dữ liệu của Blommberg, trong số 10 công ty chứng khoán có vốn hoá lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chiếm tới 6/10 toàn khu vực.

Trong đó, chiếm lĩnh 3 vị trí dẫn đầu đều là những công ty của Việt Nam lần lượt là CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) với 2,3 tỉ USD, CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) với 1,4 tỉ USD và CTCP Chứng khoán Bản Việt (Mã CK: VCI) với 1,1 tỉ USD vốn hoá.

Ngay sau 3 doanh nghiệp Việt, UOBK của Singapore giữ vị trí thứ 4. Đứng cuối trong tốp 5 là CTCP Chứng khoán TP. HCM (Mã CK: HCM) với quy mô vốn hoá cũng tiệm cận ngưỡng tỉ USD.

Đáng chú ý, quy mô vốn hoá của SSI chỉ thua tổng vốn hoá của 3 công ty chứng khoán lớn tại Singapore, Indonesia và Thái Lan (lần lượt là UOBK, APIC và XPG) khoảng 300 triệu USD.

Việt Nam nắm giữ top đầu trong số CTCK vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á

Việt Nam nắm giữ top đầu trong số CTCK vốn hóa lớn nhất Đông Nam Á

Trong ít năm trở lại đây, vị thế nổi bật của những SSI, VND hay VCI phần nào phản ánh sự ‘bùng nổ’ của thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index lần lượt chinh phục các đỉnh cao mới, từ 1.200, 1.400 rồi 1.500 điểm, đặc biệt các phiên giao dịch có giá trị tỉ USD cũng xuất hiện nhiều hơn. Với hơn 3,8 triệu tài khoản vào cuối tháng 10/2021, tỷ lệ tài khoản chứng khoán trên tổng dân số của Việt Nam rơi vào khoảng 3,9%, chỉ đứng sau Thái Lan và Singapore trong khu vực Đông Nam Á.

Quy mô vốn điều lệ của SSI hiện đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019. Mới đây, công ty chứng khoán này còn công bố kế hoạch phát hành thêm 497,3 triệu cổ phiếu ra công chúng. Sau đợt tăng vốn này, quy mô vốn điều lệ của SSI có thể lên tới gần 15.000 tỉ đồng, ngang ngửa với vốn điều lệ của một số ngân hàng tầm trung như TPBank (11.700 tỉ đồng), Eximbank (12.355 tỉ đồng) hay OCB (13.699 tỉ đồng).

Không chỉ riêng SSI, một loạt công ty chứng khoán khác đã và đang triển khai kế hoạch tăng vốn đầy tham vọng. Động thái tăng vốn diễn ra khi phần nhiều cổ phiếu của công ty chứng khoán hiện đang vận động quanh vùng đỉnh lịch sử.

Theo dữ liệu của Bloomberg, tính đến ngày 2/12/2021, hệ số P/E của SSI đã lên tới 24,9 lần, thuộc nhóm cao trong khu vực Đông Nam Á, ngay sau XPG (Thái Lan) và APIC (Indonesia). Các công ty chứng khoán Việt còn lại trong tốp 5 như VND, VCI và HCM cũng có hệ số P/E từ 15 đến 18,8 lần. Trong khi đó, chỉ số này của UOBK (Singapore) mới chỉ ở mức 7,5 lần.

Các số liệu trích dẫn từ Bloomberg nêu trên mới chủ yếu tập trung vào các công ty chứng khoán đã niêm yết trên sàn chứng khoán trong khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các chỉ số định giá theo P/E hay P/B cũng thay đổi theo từng phiên giao dịch.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, ngày 3/12/2021, chỉ số VN-Index đã giảm tới 38,73 điểm, tương ứng mức giảm 2,61%, lùi về ngưỡng 1.443,3 điểm.

Trong đó, nhóm ngành chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, SSI giảm 6,48%, đóng cửa ở mức 50.500 đồng/cp; VND giảm 6,05%, đóng cửa ở mức 73.000 đồng/cp; VCI giảm 6,27%, đóng cửa ở mức 73.300 đồng/cp. Một loạt cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán khác giảm kịch biên độ, như BSI (-6,95%), CTS (-6,95%), VDS (-6,89%), VIX (-6,93%).

Tin liên quan

Đọc tiếp