Việt Nam có thể được G7 hỗ trợ chuyển đổi năng lượng sạch

thượng đỉnh G7
13:54 - 27/06/2022
Lãnh đạo các nước G7 ăn tối tại Lâu đài Elmau ở Kruen, Garmisch-Partenkirchen, Đức, ngày 26/6. Ảnh: Reuters
Lãnh đạo các nước G7 ăn tối tại Lâu đài Elmau ở Kruen, Garmisch-Partenkirchen, Đức, ngày 26/6. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Senegal là các quốc gia khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể nhận được gói hỗ trợ tài chính để chuyển đổi sang năng lượng sạch, trong khuôn khổ sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng của nhóm G7.

“Trong nỗ lực chung với các đối tác G7, chúng tôi đang làm việc để hướng đến các thỏa thuận Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) bổ sung với Indonesia, Ấn Độ, Senegal và Việt Nam”, Nikkei Asia dẫn tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Hội nghị thượng đỉnh G7.

Thỏa thuận JETP đầu tiên được các nhà lãnh đạo Nam Phi, Liên minh châu Âu (EU) và các thành viên G7 (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh) ký kết trong hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 năm 2021. Với thỏa thuận này, các nước phát triển sẽ giúp Nam Phi giảm phát thải carbon trong dài hạn, tập trung vào quá trình chuyển đổi năng lượng một cách công bằng và tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Tổng giá trị vốn cam kết ban đầu là 8,5 tỷ USD trong 3-5 năm.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 26/6. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ngày 26/6. Ảnh: Reuters

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Ấn Độ hiện đứng thứ 3 và Indonesia đứng thứ 7 trên thế giới về tổng lượng phát thải khí nhà kính theo quốc gia, mặc dù lượng khí thải CO2 trên đầu người của 2 quốc gia này thấp hơn nhiều so với các nước giàu dầu mỏ và các nước công nghiệp phát triển.

Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức tại Elmau (Đức) hôm 26/6, các nhà lãnh đạo nhóm G7 đã công bố sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng “Đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu” (PGII) tại các nước đang phát triển trị giá 600 tỷ USD.

Các nước G7 đặt mục tiêu huy động 600 tỷ USD trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2027, trong đó Mỹ cam kết huy động 200 tỷ USD và 400 tỷ USD từ các nền kinh tế còn lại. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, trong 5 năm tới, nước này sẽ đặt mục tiêu hiện thực hóa hơn 65 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng thông qua nguồn vốn từ khu vực tư nhân.

Đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Kishida cho biết: "Chúng tôi sẽ đầu tư vào các tuyến đường sắt và sân bay, nhằm góp phần kết nối khu vực, hoặc phát triển các cảng và bến cảng hỗ trợ an ninh hàng hải và củng cố an ninh kinh tế, bao gồm cả an ninh mạng".

Năm 2017, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á đang sẽ cần đầu tư 26 nghìn tỷ USD từ năm 2016 đến năm 2030, tương đương 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, để duy trì đà tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro. Ảnh: AP

Venezuela đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador

Ngày 16/4, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean (CELAC) đã ra lệnh đóng cửa Đại sứ quán tại Ecuador nhằm thể hiện sự đoàn kết với Mexico trong cuộc đối đầu ngoại giao với Ecuador.